Như tin đã đưa, chiều 3/12, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra. Tại đây, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã thông tin về việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP.
Trong năm 2020 phải khẳng định vị trí mới để di dời ga đường sắt Đà Nẵng hiện nay ra khỏi khu vực trung tâm TP (Ảnh: HC)
Ông cho hay, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng đã được quan tâm và đề xuất từ cách đây hơn 10 năm. “Nếu chúng ta nói câu chuyện 10 năm trước đây chọn ga đường sắt, dời ga đường sắt thì rất khác với cách tiếp cận bây giờ. Vị trí đặt ga đường sắt hiện nay là với quy hoạch TP Đà Nẵng trước đây mà Liên Chiểu là “vùng sâu, vùng xa”, nhưng bây giờ thì khác rồi. Với mỗi thời điểm chúng ta làm đều phải có căn cứ nhất định!” – Ông Trương Quang Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, ga Đà Nẵng phải nằm trên trục đường sắt quốc gia. Tuy nhiên hiện nay quy hoạch đường sắt quốc gia cũng đang báo cáo Quốc hội. Trong khi quy hoạch đường sắt quốc gia chưa khẳng định lại thì liệu có thể xác định được vị trí mới để đặt ga đường sắt Đà Nẵng hay không?
“Đây cũng là một bài toán khó của TP Đà Nẵng. Hiện HĐND TP đang yêu cầu, UBND TP đang tích cực để tại Tọa đàm Mùa Xuân đầu năm 2020 có một số nhà đầu tư quan tâm tới dự án di chuyển ga đường sắt Đà Nẵng. Có nghĩa chúng ta sẽ có nguồn để khởi động, có nguồn để làm cùng với Bộ GTVT để xác định quy hoạch ga đường sắt Đà Nẵng mới đặt ở đâu!” – Ông Trương Quang Nghĩa nói.
Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đang yêu cầu đơn vị tư vấn Subana Jurong (Singapore) có ý kiến về chỗ này. Tôi nghĩ rằng, trong năm 2020, chúng ta phải có vị trí khẳng định của ga đường sắt mới. Hiện nay giữa đường cao tốc đang làm và ga đường sắt sắp tới có thể chia TP ra thành hai, ba mảnh. Quan điểm của lãnh đạo TP rất đồng tình với ý kiến đề xuất của Tư vấn Singapore là cố gắng đưa hai đường này sát vào nhau để không mất đất “vùng lõi” ở giữa hai phương thức giao thông này!”.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, thực hiện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2045, đơn vị tư vấn Surbana Jurong có đưa ra đề xuất chuyển tuyến đường sắt kẹp sát phía Đông đường cao tốc nhằm hạn chế chia cắt đô thị Đà Nẵng hành 3 mảnh và tận dụng cùng hành lang giao thông.
Đồng thời chuyển nhà ga đường sắt Đà Nẵng hiện nay (trên đường Hải Phòng, thuộc phường Tân Chính, quận Thanh Khê) về phía Nam (khu vực Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) làm động lực phát triển khu vực.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, đề xuất này của đơn vị tư vấn Surbana Jurong khác với chủ trương trước đây của TP Đà Nẵng và hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu là giữ nguyên phương án tuyến cũ, bố trí nhà ga tại quận Liên Chiểu).
Tuy nhiên, qua lấy ý kiến các chuyên gia và các sở, ngành hữu quan, UBND TP Đà Nẵng thống nhất với đề xuất chuyển đường sắt nằm sát đường cao tốc để hạn chế chia chia cắt đô thị thành 3 mảnh, hạn chế giao cắt giao thông đô thị, tận dụng cùng hành lang. Quan điểm của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng là sẽ chỉ đạo các ngành thực hiện các thủ tục liên quan đến hướng tuyến đang nghiên cứu của Bộ GTVT để có sự đồng thuận.
Đối với hướng tuyến cũ là cơ hội phát triển tuyến giao thông công cộng nội đô (có thể là đường sắt đô thị), lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng giao đơn vị tư vấn Singapore tiếp tục nghiên cứu, báo cáo trong giai đoạn tiếp đến.
UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất với đề xuất của đơn vị tư vấn Surbana Jurong về phương án bố trí nhà ga. Tuy nhiên UBND TP Đà Nẵng yêu cầu vẫn phải tính toán, bố trí nhà ga hàng hóa ở phía Bắc TP nhằm gắn với cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Vị trí cụ thể, giao tư vấn tiếp tục nghiên cứu và đề xuất trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu hệ thống giao thông ngầm (gắn với không gian ngầm đô thị), giao thông công cộng (khối lượng lớn gắn với chủ trương phát triển đô thị nén khu vực trung tâm), giao thông thủy, giao thông kết nối Hội An (TP Đà Nẵng có chủ trương nghiên cứu) cần được đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, báo cáo trong giai đoạn tới.