20/12/2015 11:32 AM
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định ‘có hiện tượng người Trung Quốc đứng phía sau đưa tiền cho người Việt Nam đứng tên mua đất’. Đồng thời, Đà Nẵng đang đối diện vụ kiện vì ngăn sang đất nghi dính người TQ.

Vệt đất biệt thự (bìa trái) cạnh sân bay quân sự Nước Mặn đang có hoạt động thu mua từ người TQ- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Có chuyện người TQ đứng sau người Việt mua đất
Trong buổi gặp mặt cán bộ quân đội nghỉ hưu cấp tướng và chỉ huy qua các thời kỳ trên địa bàn thành phố nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mới đây của lãnh đạo TP.Đà Nẵng; các tướng tá rất bức xúc và chất vấn các lãnh đạo đương nhiệm về vấn đề lao động Trung Quốc (TQ) vào Đà Nẵng làm việc, các dự án của người TQ được cấp phép ở khu vực nhạy cảm gần sân bay Nước Mặn, và mới đây nổi cộm lên thông tin người TQ núp sau lưng người Việt gom đất.
Trả lời về các bức xúc, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Cấp ủy đảng và chính quyền nhận thức rất sâu sắc tình hình rất gay cấn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên đất liền và biển đảo, trong tình thế chúng ta phải duy trì về mặt ngoại giao với tinh thần quan hệ hữu nghị "núi liền núi, sông liền sông". Càng ngày tình thế càng khó cho mình”.

Ông Huỳnh Đức Thơ (đứng) cho các vị tướng tá dự buổi họp mặt biết "có hiện tượng người Trung Quốc đứng phía sau đưa tiền cho người Việt Nam đứng tên mua đất" ở Đà Nẵng- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Về vấn đề người TQ ở Đà Nẵng, ông Thơ cho hay: “Đúng là có hiện tượng như lo lắng. Số lượng người TQ đến TP.Đà Nẵng ngày càng nhiều và họ cũng tìm cách phát triển công việc làm ăn của họ. Đà Nẵng ngoài là địa bàn du lịch rất phát triển thì chúng ta còn là địa bàn an ninh-quốc phòng”.
Ông Thơ nói: “Người TQ đến Đà Nẵng hiện nay chủ yếu làm những việc liên quan đến du lịch chứ chưa hề làm gì liên quan đến công nghiệp, chưa có nhà máy xí nghiệp nào sản xuất gì liên quan đến TQ. Trừ việc trước đây 5-7 năm chúng ta từ chối một dự án công nghiệp tại Hòa Khương mà một doanh nhân TQ đề xuất làm.
Hiện nay, về du lịch có 1 cơ sở lớn nhất của người TQ đó là Crow Plaza của Công ty Sliver Shores. Khách sạn 5 sao này có sòng bạc với 8 bàn chia bài phục vụ khách nước ngoài, chủ yếu là người TQ. Cơ sở đó đã được cấp phép từ lâu ở phía trước sân bay Nước Mặn về phía bờ biển. Người ta đã xong giai đoạn 1 từ lâu rồi, cả trăm triệu đô la. Giai đoạn 2 đang làm lớn hơn nữa, khoảng 200 triệu đô la, với số lượng phòng sẽ tăng lên.
Do sòng bạc và khách sạn nghỉ dưỡng này hoạt động khá tốt trong việc thu hút khách TQ nên chúng ta thu hút được rất nhiều đường bay trực tiếp nước ngoài. Ngân sách hằng năm mà chỗ này nộp vào lớn hơn các nhà hàng, khách sạn khác, khoảng trên 100 tỉ đồng.
Do đó, phía đối diện, người ta mở các nhà nghỉ mini, dịch vụ massage, ăn uống có người TQ đứng sau điều hành”, ông Thơ cho hay.
Về hoạt động mua bán đất chui, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho hay: “Từ báo cáo của các cơ quan an ninh thì chúng tôi nhận thức đầy đủ, là có hiện tượng người TQ đứng phía sau người Việt để cho người Việt đứng ra mua một số lô đất, chủ yếu tập trung phía trước mặt Crow Plaza, bên cạnh sân bay Nước Mặn. Trước đây các lô đất này là đất biệt thự riêng lẻ, họ mua cái đó để xây lên các khách sạn cao tầng. Hiện nay các công việc kinh doanh chính của các khách sạn này là nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm, dịch vụ nhưng đứng tên vẫn là người VN”.
Khách sạn Crow plaza đã hoàn thành và JW Marriott của Cty Sliver Shores án ngữ bên biển, đối diện với sân bay Nước Mặn.
Ông Thơ khẳng định: “Có dấu hiệu người TQ đứng phía sau đưa tiền cho người VN đứng tên mua, số lượng khoảng từ 5-15 cơ sở như vậy”.
“Bằng cách nào người ta biết được việc này. Vì người ta nhận thấy một số người Việt bình thường nhưng tự nhiên có tiền xây khách sạn cao tầng. Ngay cả hoạt động giao dịch, khi người Việt tới các cơ quan công chứng thì thấy có cái ông TQ lè kè theo. Đó là hiện tượng có thật”, ông Thơ nói.
Đối diện với kiện tụng
Hiện nay, theo Luật Đất đai, không cho phép người nước ngoài mua nhà gắn liền với sở hữu đất đai, người ta phải thuê, hoặc ta mới chỉ thí điểm cho phép mua các căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, ông Thơ cho rằng: “Trong thời gian tới, khi chúng ta gia nhập TPP, ASEAN, khi mà toàn bộ những nội dung thương mại thế giới, song phương, đa phương… có hiệu lực thì chúng ta không chóng thì chầy cũng phải tiến tới để người nước ngoài mua nhà gắn với đất. Hiện nay Quốc hội đang thảo luận”.
“Chúng tôi biết được việc này và chúng tôi hành xử như thế nào?”, ông Thơ bày tỏ.
“Chúng tôi báo cáo đầy đủ hết với Thường trực, Thường vụ, báo cáo luôn với Trung ương về những hiện tượng đó. Chúng tôi cần có được những sự chỉ đạo, có những chủ trương. Mặc dù chúng ta cần bình đẳng với các đối tác, các công dân của tất cả các nước, nhưng mà có cách gì đối với người TQ hay không?
Thì chúng tôi được trả lời, những điều này là tất cả các công dân ở trong nước và ngoài nước phải thực hiện theo pháp luật”.
Ông Thơ cũng cho hay: “Vừa rồi chúng tôi giữ lại 4 cái sổ không cho chuyển nhượng bởi vì nghi ngờ có anh TQ đứng ở phía sau, không cho chuyển nhượng, mặc dù người Việt buôn bán với nhau.
Chúng tôi đang đối diện với một vụ kiện (là) vi phạm pháp luật, tại sao mua bán bình thường mà không cho”.
Nói rõ hơn về việc chuyển nhượng, ông Thơ cho biết: “Các dự án ven biển của chúng ta đã cấp phép từ lâu, chia lô ra cho các doanh nghiệp triển khai, có dự án triển khai rồi có dự án chưa. Dự án của người nước ngoài nhiều hơn người Việt.
Các dự án đó theo quy định của luật thì người ta có quyền mua bán, chuyển nhượng bởi vì họ trả tiền rồi. Họ được quyền chuyển nhượng, có quyền cổ phần; mà họ mua bán thì ra nước ngoài chứ không cần ở trong nước, luật pháp cho phép điều đó. Và chúng tôi thấy những dự án này có dấu hiệu người TQ và gốc TQ mua bán ngày càng nhiều”.
Để khống chế việc này, ông Thơ nói: “Chúng tôi báo cáo lên Trung ương, cho Thủ tướng, Bộ KH-ĐT, cho các ban của Chính phủ sau khi đã báo cáo Thường trực Thành ủy, là có cách gì thay đổi về luật pháp điều chỉnh được cái này hay không, và chúng tôi cũng dừng các dự án không cho chuyển nhượng.
Nhưng chúng tôi nhận được trả lời từ các cơ quan chức năng là VN cam kết thực hiện đầy đủ các thỏa ước, văn kiện mà chúng ta ký kết với quốc tế, không được thay đổi pháp luật, và người ta có quyền của người ta”.
Ông Thơ nhận định: “Người TQ hiện nay rất giàu có, rất nhiều tiền. Họ qua Mỹ mua cả được nhà đất ở thành phố Los Angeles, mua trong khi dân Mỹ không đủ tiền mua, mua đẩy giá lên cao, cao bao nhiêu cũng mua hết. Mà Đà Nẵng chúng ta là nơi rất béo bở, rẻ”.
Người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng nói: “Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi, mà không cho chuyển nhượng sẽ bị kiện, mà một lần kiện như vậy sẽ bay cả hàng chục triệu đô la bởi vì vi phạm luật”.
Do đó, để trấn an và đưa ra giải pháp hạn chế người TQ gom đất ở vệt tường rào sân bay Nước Mặn, ông Thơ cho biết: “Bây giờ chúng tôi xóa không cho xây nhà cao tầng nữa, xây biệt thự là xây biệt thự, cao hai ba tầng thôi, không cho ghép lô nữa”.
Báo cáo từ Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho hay trên địa bàn quận đã có 7 công ty có người TQ góp vốn đầu tư đứng tên mua 74 lô đất. Ngoài ra, có 71 cá nhân người Việt đứng tên mua 138 lô đất dọc vệt biệt thự sân bay Nước Mặn (P.Khuê Mỹ), tập trung đối diện Công ty Đầu tư và phát triển Sliver Shores. Trong đó, đã xác định 1 trường hợp người Việt Nam là ông Phạm Văn Hùng (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) đứng tên mua 3 lô đất với số tiền 5 tỉ đồng cho ông Chiu J.Tase (A.Chiu), người Đài Loan.
Hiện nay, số người TQ tạm trú trên địa bàn là 302 người (222 lao động, 80 khách du lịch lưu trú dài hạn). Ngoài ra, số lưu trú ngắn ngày trong các khách sạn, resort tính từ 1.12.2015 đến nay là 2.710 người.
Lê Đình Dũng (MTG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.