Được biết toàn tuyến tàu điện sẽ có chiều dài khoảng 33 km, hướng tuyến chủ yếu kết nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm thành phố đến Hội An theo tuyến đường ven biển.
Dự án cần số vốn 7.497-14.995 tỉ đồng (tương đương 330-660 triệu USD). Hình thức đầu tư ODA hoặc PPP. Thời gian thực hiện 2017-2023.
Với hình thức vay vốn ODA, chủ đầu tư cần vay số tiền 297 - 594 triệu USD. Vốn đối ứng do ngân sách địa phương hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng (trên cơ sở chiều dài tuyến qua từng địa phương) chi trả 33 - 66 triệu USD.
Với hình thức đầu tư PPP, nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất dự án thực hiện theo các hình thức BT, BOT.
“Hiện tại có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tham gia và đề xuất dự án này. TP mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư dự án từ phía các nhà đầu tư, nhà tài trợ” - ông Sơn nói.
Bên cạnh dự án trên, Đà Nẵng đang tiếp tục thu hút các nguồn lực để đầu tư vào các dự án trọng điểm như: Cảng Liên Chiểu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT; tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000TEU; dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng; dự án tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng với Quảng Nam; khu liên hợp xử lý chất thải rắn và dự án cải thiện môi trường.