19/07/2019 2:50 PM
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) hiện có tới hàng trăm ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang từ nhiều năm nay, do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là từ ảnh hưởng các dự án, trong đó các dự án “treo” là nhiều nhất. Bởi diện tích đất bỏ hoang nhiều năm nên người dân gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất…

Hàng chục ha đất nông nghiệp bỏ hoang do ảnh hưởng từ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bình - Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 38 ha đất sản xuất nông nghiệp không thể sản xuất được từ nhiều năm qua, do ảnh hưởng từ các dự án.

Có thể điểm qua như: Dự án nâng cấp cải tạo QL1A, dự án khu dân cư phía Nam Cẩm Lệ, dự án Khu dân cư tuyến đường ĐT605, dự án đường vành đai phía Nam Đà Nẵng…

Qua tìm hiểu, được biết dện tích đất nông nghiệp trên bỏ hoang từ trước năm 2014 đến nay, ảnh hưởng đến đời sống của gần 400 hộ dân, tất cả diện tích đất nông nghiệp này đều rơi vào tình trạng ngập úng, không thể canh tác sản xuất.

Từ năm 2014 đến nay, Đà Nẵng đã phải hỗ trợ cho người dân với mức 3.000 đồng/m2, UBND thành phố cùng các ngành chức năng đã kiểm tra thực tế, dự kiến sẽ thu hồi đất, để chuyển mục đích sử dụng, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án cụ thể.

Còn ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) lại cho biết, Hòa Ninh vốn là vùng “bán sơn địa”, nên có tới hơn 116 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, do không chủ động được nguồn nước tưới tiêu.

Nhưng bức xúc nhất, hiện nay trên địa bàn xã hiện có 7 dự án mặc dù đã quy hoạch nhiều năm, chiếm gần 1.300ha đất các loại, vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo quy định Luật Đất đai, các dự án đã quy hoạch trên 3 năm, phải điều chỉnh lại quy hoạch, nếu không khả thi cần thu hồi dự án.

Dự án kệnh thoát lũ Hòa Liên vẫn còn 1,5 km chưa thi công, dù chủ đầu tư đã cam kết hoàn thành tháng 7/2018

Tương tự như ở 2 xã Hòa Châu và Hòa Ninh, ông Trương Tấn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) lại cho biết, trên địa bàn xã cũng có hơn 20 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng tại 5 dự án từ nhiều năm nay.

Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này cũng rơi vào tình trạng ngập úng, hoặc mất nguồn nước tưới tiêu, không thể canh tác, ảnh hưởng tới đời sống hơn 100 hộ dân tại nhiều thôn, khu dân cư…

Hiện tại trên địa bàn xã Hào Liên còn ngổn ngang những dự án dang dở, không biết bao giờ mới triển khai. Tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên hiện có tới 5 dự án bao quanh: Dự án nhà ở liền kề KCN Hòa Khánh; Dự án kênh thoát nước - vệt cây xanh cách ly KCN Hòa Khánh; Dự án nhà máy nước thải Liên Chiểu; Dự án Khu di tích rừng Trung Sơn; Dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài.

Nếu các dự án không tiếp tục triển khai, đề nghị chính quyền thành phố thu hồi dự án, bố trí cho người dân được tái định cư tại chỗ, để người dân ổn định cuộc sống

Nằm giữa các dự án này là cánh đồng Bầu Giáng và hơn 100 hộ dân thôn Trung Sơn với diện tích khoảng hơn 20ha. Vào mùa nắng, nước thải từ KCN Hòa Khánh đổ về cánh đồng Bầu Giáng đọng lại, bốc mùi hôi thối nồng nặc khắp làng, ô nhiễm đến mức, trâu bò uống phải nguồn nước thải lăn ra sinh bệnh mà chết, đàn vịt mà lỡ mò kiếm ăn trên đồng cũng còi cọc chẳng lớn nổi.

Mùa mưa tình cảnh còn khốc liệt hơn, nước thải từ KCN Hòa Khánh - Thanh Vinh mở rộng, giai đoạn 2 đổ xuống, cống thoát nước từ Bàu Giáng ra dự án Đô thị xanh DarongPar Citi để thoát ra sông Cu Đê không đủ tải, nước ngập ứ mênh mông khắp làng.

Dự án “ngâm” quá lâu, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Các kế hoạch sản xuất không thể thực hiện, các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng không thể tiến hành…

Mới đây, theo thống kê của HĐND huyện Hòa Vang, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện không sản xuất được có khả năng khắc phục là hơn 242ha, không thể khắc phục được hơn 237 ha.

Đất nông nghiệp không sản xuất được chủ yếu bị ảnh hưởng bởi triển khai các dự án dẫn đến bồi lấp ruộng đồng, hệ thống kênh mương, nguồn nước tưới tiêu.

Có 9/11 xã có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án với tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 122ha. Có 6/11 xã có đất nông nghiệp không sản xuất được do không chủ động nước tưới với tổng diện tích hơn 290ha.

Xuân Lam (TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.