Những năm gần đây, Ðà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện để người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định.

Công trình nhà ở xã hội tại phường Nại Hiên Ðông (Ðà Nẵng) chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, giao "đất sạch", miễn giảm thuế đất, kêu gọi doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, làm cầu nối cho DN tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, các ngân hàng, tổ chức tài chính... hay sử dụng một phần vốn ngân sách để hỗ trợ giảm giá bán, dùng ngân sách mua lại một phần dự án... tạo nên bước đột phá trong phát triển nhà ở xã hội.

Ða dạng hóa nguồn vốn đầu tư

Tháng 9-2012, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Xây dựng Phú Mỹ (PMEC) liên danh với hai Công ty NIBC và Handong E&C (Hàn Quốc) khởi công công trình nhà ở xã hội Nethomes 1 tại phường Nại Hiên Ðông (quận Sơn Trà, Ðà Nẵng), gồm bốn khối nhà cao chín tầng, tổng diện tích gần 10 nghìn m2 với 420 căn hộ, tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng. Ðiều đáng nói là giá mỗi căn hộ ở dự án này đã được giảm một nửa nhờ vào các chính sách giảm giá của UBND thành phố Ðà Nẵng như miễn giảm thuế đất, giao mặt bằng "sạch"... Ngoài ra, UBND thành phố Ðà Nẵng sẽ mua lại một nửa số căn hộ để cấp cho cán bộ viên chức các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc thành phố, một động thái trực tiếp kích cầu rất hiệu quả cho các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Ðiều này đã được các nhà đầu tư đánh giá rất cao và là động lực để dự án được triển khai nhanh hơn. Phó Giám đốc dự án nhà ở xã hội Nethomes 1 Lê Ðại Nghĩa chia sẻ: "Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay thì sự hỗ trợ về chính sách giá của UBND thành phố là thật sự cần thiết để chúng tôi tiếp tục thực hiện dự án với cam kết mang đến cho khách hàng những căn hộ tốt nhất và một mức giá cả hợp lý". Sắp tới, Công ty cổ phần Kỹ thuật Xây dựng Phú Mỹ sẽ tiếp tục triển khai dự án Nethomes 2 tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu với diện tích hơn 3.000 m2, góp phần giải quyết thêm chỗ ở cho người thu nhập thấp tại Ðà Nẵng.

Một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên được xây dựng tại Ðà Nẵng do DN đầu tư là khu chung cư số 2 Nguyễn Tri Phương, chủ dự án là Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà (Vicoland). Dự án này đã được đưa vào sử dụng. Với diện tích 3.672 m2, chia làm 147 căn hộ, diện tích mỗi căn hộ từ 52 đến 65 m2, là mô hình chung cư đầu tiên ở Ðà Nẵng dành cho người có thu nhập thấp đạt tiêu chuẩn về chất lượng xây dựng. Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội Blue House liên danh giữa Công ty CP Xây dựng Ðức Mạnh và Công ty CP Ðầu tư và xây dựng 579, cũng đang dần hoàn thiện để bàn giao cho người mua. Dự án này cũng được UBND thành phố Ðà Nẵng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi và sử dụng ngân sách mua lại một phần các căn hộ để giải quyết chỗ ở cho cán bộ viên chức... Với những DN tham gia xây nhà ở xã hội, chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, giao mặt bằng "sạch", miễn giảm thuế đất, làm cầu nối cho DN tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, các ngân hàng, tổ chức tài chính với lãi suất ưu đãi, sử dụng ngân sách để bao tiêu một phần đầu ra... giúp DN yên tâm, mạnh dạn đầu tư.

Tính đến thời điểm này, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 163 khối nhà với 7.811 căn hộ, trong đó có 158 khối nhà với 7.270 căn hộ được xây dựng từ nguồn ngân sách thành phố. Thành phố cũng đang triển khai xây dựng 41 khối nhà với hơn 4.000 căn hộ và 59 khối nhà với gần 8.700 căn hộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Về chỗ ở cho học sinh, sinh viên, hiện thành phố đã hoàn thành khu ký túc xá phía tây gồm sáu khối nhà với khoảng 700 phòng, đủ bố trí cho gần 6.000 sinh viên. Ngoài ra, các khu ký túc xá khác tại đông nam hồ Bàu Tràm, khu Tuyên Sơn cũng đã thi công xong phần thô, đang được các đơn vị hoàn thiện. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết: "Phương châm của Ðà Nẵng là thực hiện xã hội hóa chương trình nhà ở xã hội, vừa sử dụng ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương vừa kêu gọi, tạo điều kiện để DN tham gia đầu tư. Từ nay đến năm 2015, Ðà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, xây dựng 7.000 căn nhà xã hội với kinh phí dự kiến là 6.500 tỷ đồng".

Trong chuyến khảo sát các dự án bất động sản, trong đó có các dự án nhà ở xã hội mới đây của Bộ Xây dựng tại Ðà Nẵng, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét rằng, mặc dù tiến độ các dự án tuy hơi chậm nhưng nhìn tổng thể, TP Ðà Nẵng đã thực hiện có hiệu quả các dự án nhà ở xã hội. Với sự quan tâm của chính quyền, Ðà Nẵng là một trong các thành phố đứng đầu cả nước trong phát triển nhà ở xã hội. Kinh nghiệm là dù nguồn vốn, cơ chế, đất đai, khó khăn, nhưng nếu quan tâm vấn đề này, huy động các nguồn lực từ Nhà nước cũng như xã hội hóa thì kết quả sẽ tốt hơn hẳn. Ðây là hướng đi hợp lý của địa phương, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với vấn đề nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở dành cho người lao động thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp.

Cung cầu vẫn còn chênh lệch

Chính sách ưu đãi, bao tiêu một phần đầu ra phát huy hiệu quả vượt trội so với nhiều địa phương khác, nhưng thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội tại Ðà Nẵng vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu của người dân nơi đây. Chị Lê Thị Hạnh Phúc, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Liên Chiểu cho biết: Hai vợ chồng chị đều là giáo viên, thu nhập chỉ vừa đủ sống, phải thuê nhà ở từ sáu năm nay. Khi có chủ trương của thành phố trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội dành cho cán bộ nhân viên, chị đã nộp hồ sơ, qua nhiều cấp thẩm định, xét duyệt, nhưng đến nay vẫn phải chờ đợi vì số người có nhu cầu nhiều hơn hẳn số căn hộ mà thành phố hiện có.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp ở Ðà Nẵng còn rất lớn. Nhất là đối tượng cán bộ, công chức trẻ, người lao động trong các cơ quan, DN, mức thu nhập chưa cao, không đủ tiền mua đất, xây nhà. Anh Nguyễn Minh Tân, nhân viên Công ty CP Truyền thông Thương mại & Công nghiệp Việt chia sẻ với chúng tôi: Tôi ra trường và đi làm đã năm năm, với thu nhập từ ba đến bốn triệu đồng/tháng thì khó có thể tích lũy để mua được căn hộ xã hội với giá từ 300 triệu đồng trở lên, với diện tích 40 đến 60 m2. Nên chăng, Ðà Nẵng có thể xây dựng những căn hộ nhỏ hơn, chỉ từ 20 đến 30 m2, giá từ 150 đến 200 triệu đồng, thì người lao động thu nhập thấp mới có thể mua được, và cũng phù hợp với nhu cầu sử dụng của người độc thân, thậm chí là gia đình có hai đến ba người.

Ðà Nẵng hiện có bảy khu công nghiệp với gần 70.000 công nhân, lao động, trong các DN vừa và nhỏ, số lao động cũng khoảng 50.000 người. Trong đó, phần lớn là người từ địa phương khác đến, chưa có chỗ ở ổn định. Số nhà ở do Nhà nước đầu tư mới chỉ đáp ứng được 5%, còn lại 95% số công nhân phải thuê nhà. Hầu hết, các công trình này được xây dựng tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Trên địa bàn thành phố có hàng chục trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp với hơn 100 nghìn sinh viên theo học mỗi năm. Mặc dù thành phố có nhiều chính sách khuyến khích như giao đất "sạch", thực hiện việc giao đất không thu tiền hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ hạ tầng ngoài tường rào, song nhiều DN chưa thật mặn mà đầu tư xây dựng vì hiệu quả kinh doanh không cao, thời gian thu hồi vốn dài. Vì vậy nhiều DN thay vì xây dựng nhà ở, thì hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Ðà Nẵng đang thực hiện chủ trương "năm không, ba có", trong đó có chủ trương "có nhà ở". Những nỗ lực của chính quyền địa phương đang nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các ngân hàng, tổ chức tài chính nhằm khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên chức và người thu nhập thấp tiếp cận với các căn nhà phù hợp với thu nhập thực tế. Những năm gần đây, việc tạo chỗ ở ổn định cho người thu nhập thấp thông qua chương trình phát triển nhà ở xã hội của Ðà Nẵng đã góp phần quan trọng trong ổn định đời sống xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, tạo môi trường xã hội trong sạch. Ðó là cơ sở quan trọng để Ðà Nẵng đề ra mục tiêu xây dựng "thành phố đáng sống" với môi trường trong lành, xã hội lành mạnh, kinh tế phát triển vững chắc.

Theo Nguyễn Thanh Tùng (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.