30/10/2016 9:15 AM
Vừa qua, tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ”, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: “Nếu cứ để ngân hàng “đơn thương độc mã” xử lý nợ xấu… thì “đừng thắc mắc” tại sao việc xử lý nợ xấu lại chậm, ngân hàng không đạt chuẩn quốc tế”.

Đáng chú ý là đề xuất của TS. Nguyễn Đức Kiên về việc xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu hình thành trong giai đoạn 2007-2013. còn nợ phát sinh trong giai đoạn tháng 7.2013 trở lại đây thì áp dụng theo pháp luật hiện hành.

Nợ xấu công bố có thực sự vẫn nằm trong chuẩn “đẹp”?!

Bàn về thực trạng nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức là thấp, nằm trong chuẩn “đẹp”. Tuy nhiên con số nợ xấu bao gồm nằm ở ngân hàng, VAMC, và nợ cơ cấu theo Quyết định 780 ở mức độ cao hơn số công bố hiện nay.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Con số nợ xấu mà NHNN công bố cuối tháng 9.2016 là 2,62%. Nếu cộng thêm số nợ xấu mà VAMC chưa xử lý được tương đương 85% số nợ xấu VAMC mua về thì theo tính toán sơ bộ của tôi là khoảng 7% so với tổng dư nợ. Thụy Sĩ tính con số nợ xấu VN là 8,1%. Con số IMF đưa ra khoảng 10-11%. Đó là 3 con số hiện nay, chúng ta cần chốt lại để biết con số thực nợ xấu hiện nay như thế nào?”. Đồng tình với quan điểm trên, phát biểu tại hội thảo, TS Lê Xuân Nghĩa nói: “Thực sự nợ xấu hiện nay như thế nào? Để hoạch định chính sách lớn, ban hành đạo luật lớn thì chúng ta phải hiểu rõ vấn đề đấy. Tôi đề nghị NHNN báo cáo minh bạch rõ ràng con số nợ xấu ra Quốc Hội”.

Nói về nguyên nhân nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các DN và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng. Thủ phạm chính là nợ xấu doanh nghiệp. Nạn nhân chính là nợ xấu của ngân hàng. Và cuối cùng xét trên tổng thể thì nền kinh tế đầy yếu kém và rủi ro vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nợ xấu”.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Nếu nhìn nhận một cách khách quan, từ phía Nhà nước, DN, NH đều có trách nhiệm trong việc để hình thành nợ xấu, đã dẫn đến hậu quả tất yếu như ngày hôm nay, cả nền kinh tế đang phải gánh chịu hậu quả mà cả khối nợ xấu để lại.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Dương Quốc Anh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Không xử lý nợ xấu thì lãi suất không hạ được. Lãi suất đầu ra không hạ thì lãi suất đầu vào không hạ thì thị trường chứng khoán Việt Nam không khá được. Doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao thì kinh doanh sẽ ít lãi. Tóm lại đã đến lúc xử lý nợ xấu, nhưng tôi nghĩ đừng xét nợ này của ai nữa. Nhìn từ phía NH thì đó là nợ xấu NH, nhưng ngược lại thì đó là nợ xấu DN. Và là nợ của nền kinh tế”.

“Cần có bộ luật riêng xử lý nợ xấu”

TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết: “Một giải pháp cần được cân nhắc là NHNN báo cáo Chính phủ và xin ý kiến Quốc hội để xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu hình thành trong giai đoạn 2007-2013. Luật này sẽ chi phối và quy định toàn bộ hoạt động hình thành nợ xấu trong giai đoạn đó, còn nợ phát sinh trong giai đoạn tháng 7.2013 trở lại đây thì áp dụng theo pháp luật hiện hành.”

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng “Nếu không có tiền để xử lý nợ xấu thì phải cho hệ thống NH và VAMC cơ chế. Tôi đồng tình với ý kiến đề xuất Quốc hội cho bộ luật riêng, chỉ xử lý nợ xấu từ 2007 -2013, xong là thôi!”. Lý giải cho đề xuất bộ luật riêng xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng vấn đề hiện nay rất vướng là để xử lý được tài sản bảo đảm thì phải sửa rất nhiều luật, song luật pháp cần có sự ổn định và tính dài hạn. Chúng ta không thể sửa một loạt luật để phục vụ cho việc xử lý nợ xấu. Nếu đặt giả thiết sau khi sửa luật để xử lý xong nợ xấu, lại hồi phục theo nội dung hiện hành, cũng là việc khó có thể chấp nhận. Đó là lý do tại sao các cơ quan vĩ mô đang cân nhắc việc sửa đổi hệ thống pháp lý để hỗ trợ NH xử lý nợ xấu nói riêng và tái cơ cấu nói chung.

Trong tình huống này, Để xây dựng luật này, cần phải có những báo cáo phân tích nợ xấu từ thời kỳ hình thành, nêu rõ các điều khoản gây ra vướng mắc cần xử lý tại từng luật như Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thừa kế, Luật Nhà ở…

Cần thống kê một loạt luật đi theo tài sản bảo đảm với các điều khoản gây vướng mắc cụ thể, từ đó tạo cơ sở để xây dựng luật. Trong một Nhà nước pháp quyền, chúng ta cần có cơ chế trước, sau đó mới xác định nguồn lực tài chính để thực hiện cơ chế đó. Vì vậy, để xử lý nợ xấu, luật sẽ phải xác định được cả cơ chế và nguồn lực để thực thi.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết nếu cứ đổ hết lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu, xử lý hình sự tràn lan nợ xấu, từ chối sửa luật để xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, để ngân hàng “đơn thương độc mã” xử lý nợ xấu… thì “đừng thắc mắc” tại sao việc xử lý nợ xấu lại chậm, ngân hàng không đạt chuẩn quốc tế. Và cũng đừng bắt buộc ngân hàng phải cơ cấu lại nợ xấu, phải cho vay lãi suất thấp, cứu giúp doanh nghiệp hay chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế . Cuối cùng, không thể hy vọng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, hiệu quả khi mà nợ xấu vẫn còn cao.

Lan Hương (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.