15/01/2013 7:54 AM
So với nhiều đô thị phát triển trên thế giới, niềm tự hào và sự hấp dẫn của TPHCM không phải là các công trình hạ tầng - văn hóa đương đại mà là giá trị hơn 300 năm phát triển. Vậy nhưng, những dấu tích ấy đang bị thay thế bằng các công trình hiện đại.

Trung tâm lịch sử biến dạng

Nhiều di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc ở TPHCM bị “xóa sổ” để nhường chỗ cho các công trình hiện đại, trong khi những công trình hiện đại lại “khoác” cho mình một vẻ cổ xưa lạc điệu.

Khu lõi trung tâm đô thị cũ gồm các quận 1, 3, 5... được xem là trung tâm lịch sử của TPHCM vì đây là nơi khởi điểm của sự phát triển, quy tụ nhiều công trình mang dấu tích lịch sử. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhiều dự án đua nhau mọc lên khiến khu vực này bị tổn thương nhiều nhất. Rất nhiều di tích lịch sử giờ chỉ còn trong sử sách.


Nhà hát TPHCM hiện như tổ mối đứng cạnh những gã khổng lồ. Ảnh: TẤN THẠNH

“Hồn vía” lên mây

Năm 1993, lần đầu tiên TPHCM thực hiện chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Sau 5 năm nghiên cứu, chương trình đã đề xuất danh mục 108 đối tượng bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TP. Tuy nhiên, do TP không đưa ra được quy chế và phương án bảo tồn nên nhiều công trình đã bị “xóa sổ” khi thực hiện một số dự án.

Theo đánh giá của TS-kiến trúc sư (KTS) Lê Quang Ninh, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu, hiện chỉ còn khoảng 70% trong danh mục 108 công trình đã được đề xuất. Tuy nhiên, giới kiến trúc, khảo cổ cho rằng TS Ninh đang cố lạc quan để khỏi chạnh lòng vì thực tế còn ít hơn con số 70%.
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã phá bỏ cầu bắc qua Thảo Cầm Viên, được đánh giá là đẹp không kém các cầu bắc qua sông Seine nổi tiếng của Pháp. Cầu Mống, nhà đèn Chợ Quán và hàng loạt biệt thự cổ được xem là “hồn nơi chốn” của TP cũng không được bảo vệ trước dự án đại lộ Đông Tây...

Trong khi đó, cụm cảnh quan Nhà khách Chính phủ tại số 1 Lý Thái Tổ (quận 10) đang được Bộ Tài chính “rao bán” cho các nhà đầu tư. Công trình này vốn mang dấu ấn của cả một quá trình phát triển kiến trúc Sài Gòn trước năm 1975 vừa là mảng xanh điều tiết cho các quận 1, 3, 5 và 10.

Hỗn loạn thị giác

Nhiều công trình di tích tuy không bị tháo dỡ nhường mặt bằng cho dự án nhưng lại gặp phải những tình huống bi đát khác. KTS Nguyễn Ngọc Dũng chỉ ra những công trình cao tầng xây dựng quanh nhà thờ Đức Bà được yêu cầu chóp mái cho giống và “hài hòa” với nhà thờ... Kết quả là có một “rừng” chóp mái vây quanh nhà thờ Đức Bà. Tương tự, hàng loạt công trình có chóp tạo vòm vây quanh Nhà hát TPHCM, biến nhà hát này giống như tổ mối đứng cạnh những gã khổng lồ.

Theo khảo sát của KTS Phạm Phú Cường, từ năm 1991 đến nay, hơn 100 công trình từ 15 tầng trở lên được thỏa thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trên địa bàn 3 quận 1, 3 và 4, đến nay không dưới 50 công trình trong số đó đã xây dựng hoàn tất.
Quá trình xen cấy cao ốc đã làm biến đổi cơ bản các yếu tố cấu thành hình ảnh đô thị đặc trưng, phá vỡ mối liên hệ tổng thể về không gian di sản đô thị. Vì thế, nó không mang đến một chất lượng tốt hơn cho cảnh quan đô thị biệt thự cũ; ngược lại, còn tạo nên sự pha trộn khập khiễng, thậm chí có những trường hợp tương phản gay gắt giữa cũ - mới, gây nên hỗn loạn về thị giác.

Cho dù phạm vi các khu vực đô thị mang tính chất bảo tồn đã được xác định rõ trong nội dung phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2025 nhưng việc xác định các hướng đi căn bản để thực hiện bảo tồn di sản đô thị vẫn đang còn bỏ ngỏ. Bởi lẽ, TP đang thiếu vắng các nội dung để thể chế hóa bảo tồn thành một công đoạn của quy hoạch, thiết kế đô thị. Vì thế, hoạt động bảo tồn di sản đô thị dường như mới chỉ triển khai… trên giấy, dẫn đến tình trạng phát triển thiếu bản sắc của cả một khu vực trung tâm đô thị.

Vừa qua, TP còn giới thiệu thêm 20 khu “đất vàng” diện tích 50 ha chủ yếu thuộc khu trung tâm quận 1. Chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc dành cho các công trình này cao 40 - 45 tầng, thậm chí 65 tầng. Hình hài trung tâm lịch sử sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nếu không có sự điều chỉnh kịp thời của nhà quản lý cũng như phản biện xã hội.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn dự đoán với tốc độ “tàn phá” di sản như hiện nay, chỉ 5 năm nữa, khu vực trung tâm lịch sử của TPHCM sẽ teo lại còn rất nhỏ.

UBND TPHCM đang xem xét đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng có diện tích 930 ha do Công ty Nikken Sekkei tư vấn, trong đó khoanh vùng khu trung tâm văn hóa lịch sử với diện tích 212 ha, lấy đường Lê Duẩn làm trục tâm. Quy hoạch này được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc bảo vệ khu trung tâm di sản.

Theo Thu Suong (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.