1 Mua được miếng đất trong khu dân cư mới tại quận 2 là cả sự cố gắng rất lớn của gia đình chị Minh. Nhưng làm sao có thể ở được nếu không xây nhà! Chị Minh làm việc trong một cơ quan nhà nước, lương bổng cộng lại mỗi tháng chừng 10 triệu đồng.
Anh chồng chị là huấn luyện viên yoga, mỗi tháng chạy show ngược xuôi khắp nơi, cũng thu nhập chừng 40 triệu đồng/tháng. Miếng đất 80 m2, thời điểm ấy, gia đình chị Minh mua với giá 37 triệu đồng/m2. Riêng khoản tiền mua đất, chị Minh đã phải vay vàng của ông anh trai gần 20 lượng. Nói cụ thể ra thì không may mắn chút nào, khi chị Minh vay vàng, giá vàng chưa lên, chỉ dao động 2,6 triệu đồng/chỉ.
Sau một năm, từ cú shock QE3 của Mỹ và biến động chính trị khiến vàng tăng hỗn không thể dừng lại được. Có lúc, chị Minh đã phải cắn răng mua vàng với giá 4,9 triệu đồng/chỉ để trả lại cho anh trai. Người anh thấy vậy thương em gái lắm, nhưng không biết làm sao bởi bà vợ nhất định không chịu nhận tiền. Bà tính thiệt tính hơn, nên cứ quy ra vàng cho chắc chắn.
Sau vài năm đi mướn nhà chung cư cũ tại khu Tân Bình, phải ở chung với chuột và mùi nước cống, anh chị Minh đã tích cóp được một khoản tiền kha khá. Nói là kha khá vậy thôi, chứ xây căn nhà phố, ngang 4 m, dài 20 m, cộng thêm vài món đồ cơ bản như bếp và các vật dụng khác, cũng lên tới hơn 2 tỷ đồng. Vợ chồng chị quyết định vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, còn lại là số tiền tích cóp được và vay mượn từ anh em ruột trong nhà.
Yên tâm với khoản tiền vay ấy, căn nhà được khởi công. Người ta nói: “Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”. Ban đầu, kinh phí xây nhà chỉ dự tính chừng 2 tỷ đồng, nhưng cuối cùng thì phát sinh đủ thứ. Cãi nhau chán với chủ thầu, chị Minh còn bực bội với tốp thợ. Và khi căn nhà hoàn thành, thì “tổng thiệt hại” đã lên tới 2,8 tỷ đồng.
Anh thợ mộc, vì thương cặp vợ chồng chị hiền lành, chịu thương chịu khó, nên đã cho đóng chịu. Cứ đóng đồ trước, khi nào có tiền lương tháng sau, thì anh mới tới lấy tiền.
Chắt chiu từng đồng bạc và chăm chỉ “cày cuốc” bất cứ ngày giờ nào, đến thời điểm này, sau hơn một năm ở trong căn nhà khang trang, số tiền trả lãi ngân hàng 15 triệu đồng/tháng cũng bắt đầu được giảm dần theo thời gian, gia đình chị Minh đã bớt áp lực. Đã có lần, thấy anh làm việc vất vả, chị Minh đã bàn với chồng bán căn nhà đi, để mua 1 căn chung cư gần đó, nhưng anh đều gạt đi.
Anh nói, việc vay nợ có áp lực thiệt, nhưng cũng coi như động lực để làm việc. Quan trọng nhất, anh sợ các khoản phí quản lý chung cư khá cao, mỗi tháng cũng lên tới 2 triệu đồng, thì khi về già khó mà kiếm đâu ra tiền để trả. Hơn thế nữa, căn nhà dưới đất càng ngày, càng lên giá, coi như là của để dành cho các con sau này.
2 Có nhiều người, nghe thấy việc nợ nần ngân hàng thì sợ hãi, “chạy” cho nhanh, nhưng với cách suy nghĩ như của chị Hương Lan, thì đó chính là một bài toán của người phụ nữ nhanh nhạy và thông minh. Chị Lan là chủ của một spa khá nổi tiếng nằm trong trung tâm Sài Gòn.
Chị có căn chung cư cao cấp tại quận 2 để ở và thuê căn nhà tại quận 3 để làm spa. Bà chủ căn nhà, sau khi vỡ nợ thì muốn bán lại cho chị. Sau khi gom tất cả mọi thứ, thậm chí phải bán cả căn hộ chung cư đang ở, chị Lan vẫn chưa đủ tiền để mua căn nhà ấy. Vậy là chị quyết định nhờ bà chủ sang tên căn nhà cho mình, sau khi đã đặt cọc số tiền khá lớn, để vay hơn 2 tỷ đồng từ ngân hàng.
Chị tính, hiện cả vốn lẫn lãi chị phải trả chừng gần 40 triệu đồng/tháng, nhưng công việc vẫn ăn nên làm ra, không có vấn đề gì. Thậm chí, nếu giờ bán căn nhà vừa mua đi, chị đã có thể có lãi 3 tỷ đồng rồi. Sau 10 năm, căn nhà ấy thuộc về chị. Vậy thì đắn đo làm chi! Chị Lan chia sẻ, hiện đang tính có thể sẽ vay thêm 1 tỷ đồng nữa để mua căn hộ bên quận 2 rồi cho thuê.
Việc vay tiền trong ngân hàng bây giờ đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Hơn thế nữa, trả vốn và lãi hàng tháng cũng là hình thức để tiết kiệm, không xài hoang phí. Nếu không vay, thì chắc chắn không biết đến bao giờ chị Lan mới có thể sở hữu căn nhà ngay trung tâm Sài Gòn, để vừa ở vừa kinh doanh.
Người xưa có câu nói hay: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” và cũng có câu thật chí lý: “Buôn thùng bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Tất nhiên, đừng khi nào nhắm mắt nhắm mũi vay tiền ngân hàng cho bằng được mà không có kế hoạch kiếm tiền để trả nợ. Mọi sự thành bại, nằm trên đôi tay và trí óc của bạn. Hãy cân đo đong đếm để có cuộc sống hoàn hảo nhất với cách riêng của mình!