Trước thềm năm Ất Mùi, Công ty địa ốc Phát Đạt đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc phát hành 65,1 triệu cổ phiếu (trị giá hơn 650 tỷ đồng) nhằm tăng vốn vào quý II/2015. Theo kế hoạch, sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ là 2.018 tỷ đồng.
Chia sẻ về kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt cho biết: "Tiền từ đợt huy động này, chúng tôi dành riêng cho việc săn tìm cơ hội trong năm 2015, khi thị trường bất động sản tốt dần lên và vượt qua chu kỳ khủng hoảng. Chúng tôi chờ đón các cơn sóng bất động sản trung - cao cấp quay trở lại trong năm mới".
Tương tự, trong tháng 2/2015, Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal cũng đã tiến hành chào bán hơn 37,5 triệu cổ phiếu, trong đó hơn 30 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên hơn 1.800 tỷ đồng. Động thái này của Sacomreal được lãnh đạo doanh nghiệp lý giải là chuẩn bị nguồn tài lực phục vụ cho hàng loạt dự án bất động sản trong năm mới.
Trong khi đó, Công ty đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Đền (mã chứng khoán HAR) cũng có cuộc họp cổ đông bất thường cuối năm ngoái để bàn chuyện tăng vốn. Theo đó, cổ đông HAR đã thông qua phương án phát hành 54,59 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (hoặc đối tác) nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.092 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến quý I-II/2015.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang xúc tiến kế hoạch tăng vốn để chuẩn bị tài lực đón sóng làn sóng mới của thị trường bất động sản năm 2015. Ảnh: Vũ Lê
Tổng số tiền thu được dự kiến từ đợt phát hành là gần 546 tỷ đồng, HAR dự kiến sẽ phân bổ gần 152 tỷ đồng cho việc phát triển quỹ đất; 314 tỷ đồng cho phát triển 3 dự án Boutique Hotel (62 tỷ), dự án Center Point (52 tỷ đồng) và dự án Biển hồ Tràm Long Sơn giai đoạn 1 là 200 tỷ đồng và đầu tư 80 tỷ đồng vào Công ty Ascentro.
Chủ tịch HĐQT HAR, Nguyễn Nhân Bảo cho biết quyết định tăng vốn của doanh nghiệp thời điểm này dựa trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô đang tích cực hơn và thị trường địa ốc dần khởi sắc đồng thời các dự án mà HAR lựa chọn để phát triển đều khả thi.
Tuy không chọn giải pháp tăng vốn nhưng Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thay đổi chiến lược kinh doanh bất động sản từ năm 2015 bằng cách tìm kiếm sự hỗ trợ tài lực từ các đối tác bên ngoài. Trong buổi gặp mặt báo chí diễn ra trung tuần tháng 2/2015, Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Thị Như Loan cho hay, doanh nghiệp đang xúc tiến đàm phán hợp tác với một số công ty bất động sản để chuẩn bị tái khởi động hàng loạt dự án trong năm Ất Mùi.
"Tùy thuộc vào tình hình thị trường bất động sản mà công ty sẽ có quyết sách bán hàng phù hợp trong năm 2015. Các thương vụ liên kết với đối tác dựa trên thế mạnh quỹ đất sẵn có của Quốc Cường Gia Lai cộng với tài chính và thương hiệu của đối tác sẽ được đẩy mạnh và công bố sau Tết", bà Loan cho hay.
Tổng giám đốc Công ty Bất động sản CPR, Trần Thị Cẩm Tú nhận định: "Thị trường bất động sản 2015 được dự báo sẽ ấm lên là cú hích tâm lý rất lớn đối với các doanh nghiệp địa ốc. Do đó động thái tăng vốn để chuẩn bị hàng cho năm mới là dễ hiểu".
Bà Tú phân tích, lượng giao dịch thành công ở cả phân khúc trung và cao cấp đã tăng lên khá mạnh trong năm 2014. Song hành cùng những tác động mạnh mẽ của Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở sữa đổi và việc giảm lãi suất huy động trong năm 2015 hứa hẹn góp phần tạo sức nóng cho thị trường bất động sản.
Để đón sóng 2015 các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh việc tăng vốn để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình với nhiều hình thức khác nhau. Đó là phát hành trái phiếu, cổ phiếu, kêu gọi hợp tác đầu tư, nâng vốn điều lệ... Các động thái này của doanh nghiệp càng khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng bất động sản sẽ là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong năm 2015 và cuộc đua có xu hướng ngày càng nóng hơn.
Nữ chuyên gia này đánh giá, điều quan trọng cần lưu ý hiện nay là việc tăng vốn để chuẩn bị dòng tiền mua và triển khai dự án cần phải được đảm bảo nguồn tài chính này phục vụ đúng mục đích. Khách hàng nên chọn những chủ đầu tư có uy tín trên thị trường để đảm bảo dự án được triển khai đung tiến độ.
"Năm 2015, lợi thế sẽ nghiêng về các doanh nghiệp có nguồn tiền mặt, sẵn sàng xuống tiền đối với các dự án được đánh giá tốt về vị trí, giá cả... để giành quyền chủ động trong việc bán hàng", bà nói.