"Các chủ đầu tư đều muốn bán hết hàng ồ ạt trong hai tuần nhưng thực tế điều này đã không xảy ra", ông Dũng Minh chia sẻ.
Mặc dù vậy, những dự án cao cấp vẫn tiếp tục được tung ra. Mới đây, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) ra mắt nhà liền kề và biệt thự ở tiểu khu Ngọc Lan, thuộc đô thị ParkCity Hà Nội với giá 400.000 - 800.000 USD mỗi căn. Dự án Royal City cũng chào bán căn hộ trung bình khoảng 2.000 USD mỗi m2. Còn Indochina Plaza Hanoi thì chào bán căn hộ với giá 2.800 USD mỗi m2.
Tốc độ bán phân khúc cao cấp đã chậm lại. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi tốc độ tiêu thụ của các dự án cao cấp chậm lại mà lượng hàng tiếp tục được tung ra, khả năng bán thành công đang bị đặt dấu hỏi. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group phân tích, mạo hiểm đầu tiên là yếu tố thị trường. Nhu cầu phân khúc cao cấp chỉ khoảng 5-7%, trong khi đó, nguồn cung đã lên tới 20%. Tiếp đến, khách hàng đầu tư để cho thuê, kinh doanh còn lại rất ít người mua để ở. Do đó, nhu cầu này không thật mà chủ yếu là ảo. Khi thị trường đóng băng, phân khúc cao cấp bao giờ cũng chững lại đầu tiên.
Nghiên cứu mới đây của Công ty Vietnam Report cũng cho thấy, trong tương lai gần, loại hình chung cư bình dân sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư hơn cả, chiếm tỷ lệ 37,9% trong tổng số mẫu được hỏi đối với các nhà đầu tư có nhu cầu mua bất động sản. Còn đất liền kề dự án 17,9% và chung cư cao cấp chỉ chiếm 14,7%.
Giám đốc của một công ty môi giới có tiếng trong làng bất động sản thổ lộ, ông đã từng sống dở chết dở khi đặt cọc 5 sàn chung cư tại một dự án đình đám ở quận Hà Đông. Dự án ban đầu được chào với giá 1.600 USD mỗi m2, nhích dần dần và cuối cùng vọt lên tới hơn 2.100 USD. Mặc cho thị trường quá trầm lắng, chủ đầu tư đã tăng giá chóng mặt thậm chí lướt trên sóng của nhà đầu tư thứ cấp. "Hồi đầu dự án được chào bán 1.600 USD mỗi m2, môi giới kiếm bộn tiền với giá chênh 100 USD mỗi m2. Tuy nhiên sau đó, khi dự án vọt lên hơn 2.000 USD thì hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp phải bỏ cọc vì có ôm hàng cũng không xả được. Đây thực sự là một cuộc chơi không đơn giản", vị giám đốc cho hay.
Ông Habibullah Khong Sow Kee, Tổng giám đốc VIDC thừa nhận việc tung sản phẩm ra bán khi thị trường không tốt là điều mạo hiểm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Hà Nội đều biết rằng, chỉ vài năm sau là giá các sản phẩm này đã tăng đến gấp đôi gấp 3. Vì thế, đây vẫn là một phân khúc hấp dẫn các nhà đầu tư.
"Khi dự án có vị trí đẹp, chất lượng tốt, giá thành không quá cao chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng", ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Vincom chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn nhưng do thu nhập của người dân còn thấp, giá đất vẫn còn quá cao nên chỉ rất ít người có khả năng mua được căn hộ đẹp, cao cấp. Theo quan chức này, các dự án bất động sản cao cấp ở Hà Nội đang bắt đầu gặp khó khăn thực sự.
Trong khi các doanh nghiệp TP HCM năng động, nhạy bén tập trung bán các căn hộ có giá bình dân khoảng trên dưới 15 triệu mỗi m2 thì ở Hà Nội các căn hộ có giá dưới dưới 1.000 USD mỗi m2 đang rất thiếu. "Ở Hà Nội có rất nhiều gia đình có từ vài trăm triệu đồng trở lên. Các chủ đầu tư cần hướng đến phần đông người dân bằng việc tập trung vào các căn hộ có giá bình dân", ông Nam nhận định.
Cafeland - Theo Hoàng Lan - VNexpress