Nhiều dự án của các nhà đầu tư đang thi nhau mọc ở các đặc khu kinh tế
Vân Đồn đón sóng đầu tư hạ tầng
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt đang được ráo riết xây dựng và lấy ý kiến. Song song đó, việc chuẩn bị và xây dựng cơ sở hạ tầng tại ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đang trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.
Đến thời điểm này, các tỉnh thành có đặc khu đã thông qua danh mục dự án kêu gọi các nhà đầu tư giai đoạn từ nay đến 2020. Phần lớn là các dự án hạ tầng như giao thông, bến cảng, bất động sản du lịch, nhà ở… để tạo thuận lợi cho các cư dân sinh sống và làm việc tại đây.
Trong số các nhà đầu tư đang dồn nguồn lực vào các đặc khu có Vingroup, Sungroup và FLC. Điều này cho thấy sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội của những ông lớn trong ngành bất động sản, đồng thời cho thấy được phần nào những ưu đãi, những thuận lợi mà các đặc khu sẽ đem lại cho các nhà đầu tư.
Đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển những ngành nghề như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần… Thế nên nơi đây chú trọng việc phát triển hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Trong số những dự án hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư có tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư.
Trong những ông lớn hiện diện tại Vân Đồn, tập đoàn Sungroup của ông Lê Viết Lam đang đầu tư hàng nghìn tỷ vào những dự án cải tạo và xây mới hạ tầng. Điển hình là dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, nơi được xem là điểm quan trọng để kết nối đặc khu này với tỉnh Hạ Long và những vùng khác của phía Bắc. Không dừng lại ở đó, Sungroup còn xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino với quy mô 2.500 ha với tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn CEO do ông Đoàn Văn Bình sáng lập cũng đã thông báo đầu tư dự án khu tổ hợp du lịch SonaSea Dragon Bay. Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích 94ha tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự án được thiết kế với 5 phân khu chức năng gồm 5.000 phòng khách sạn, công viên nước, trung tâm mua sắm, bến tàu, bãi biển công cộng.
Không đứng ngoài cuộc, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng đã đề xuất nghiên cứu đầu tư tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp có casino tại đảo Ngọc Vừng và đảo Vạn Cảnh. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 2 tỉ USD, trên tổng diện tích 4.000 ha.
Ngoài ra, đặc khu này còn có các dự án du lịch lớn như Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas với tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng của Công ty Viglacera; dự án con đường di sản Vân Đồn có quy mô trên 3.300 ha, bao gồm 7 phân khu trên núi và phân khu các đảo do Công ty cổ phần Vân Đồn Heritage Road làm chủ đầu tư.
Phú Quốc náo nhiệt
Dường như Phú Quốc đang được ưu ái hơn hết khi được nhiều ông lớn quan tâm và đầu tư từ rất sớm. Đa số các dự án được đầu tư xây dựng tại đây là các khu du lịch, nghỉ dưỡng… để định hình Phú Quốc thành khu nghỉ dưỡng, giáo dục hàng đầu khu vực. Hiện nay, Phú Quốc đang là một đại công trường khi hằng ngày các dự án vẫn đua nhau mọc lên.
Trên hòn đảo này, Vingroup đã khai trương giai đoạn một dự án Vinpearl Phú Quốc Resort & Golf, đưa vào khai thác 750 phòng tiện nghi có thể đón tối đa 2.000 lượt khách lưu trú. Công viên Vinpearl Safari và hệ thống vui chơi giải trí cũng đã được Vingroup đẩy mạnh xây dựng và đưa vào hoạt động. Không chỉ dừng lại ở đó, quần thể biệt thự biển Vinpearl Phú Quốc Resort & Golf với hàng trăm căn biệt thự và phòng khách sạn đã và đang thành hình.
Sungroup cũng không chịu thua trong cuộc chạy đua đầu tư vào đảo ngọc khi đưa vào khai thác hàng loạt các dự án như JW Marriot Phú Quốc Emerald Bay, khu biệt thự Premier Village Phu Quoc Resort, khu căn hộ Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay và cáp treo, nghỉ dưỡng Phú Quốc trong năm 2018. Tiếp đó dự án Công viên giải trí Sun World Hòn Thơm (10.000 tỷ đồng) cũng đang được Sun Group ráo riết triển khai.
CEO Group cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Phú Quốc, lần lượt ra mắt các dự án như khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort, Best Western Premier Sonasea Phu Quoc thuộc quần thể Sonasea Villas & Resort.
Bên cạch đó, nhiều tập đoàn khác cũng đổ về đầu tư tại đây như LDG Group với dự án du lịch nghỉ dưỡng Grand Word (7.500 tỷ đồng). BIM Group cũng nhảy vào cuộc đua với dự án khu du lịch Bãi Trường (nay là Phu Quoc Marina) với tổng diện tích 155ha.
Bắc Vân Phong trầm lắng
Cũng sẽ trở thành đặc khu, nhưng Bắc Vân Phong vẫn còn khá trầm lắng vì chưa có nhiều dự án nghỉ dưỡng được đầu tư tại đây. Tại đặc khu này mới chỉ có dự án nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (58.721 tỷ đồng) do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư và tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (109,248 tỷ đồng) do Petrolimex và Nippon Oil Energy (Nhật Bản) đầu tư.
Tuy nhiên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn IPP, đánh giá đặc khu Bắc Vân Phong đang sở hữu nhiều lợi thế mà các đặc khu khác không có được. Do đó, ông cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Bắc Vân Phong với mục tiêu xây dựng nơi đây thành trung tâm thương mại, du lịch của ASEAN. Tập đoàn IPP cam kết sẽ đầu tư vào đây với số vốn vượt xa mức yêu cầu đầu tư của Chính phủ (400.000 tỷ đồng). Sự xuất hiện của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng như tập đoàn IPP đang mở ra nhiều cơ hội và kỳ vọng cho đặc khu Bắc Vân Phong.
Giới quan sát cho rằng, việc các ông lớn đang đua nhau ‘đổ bộ’ vào các đặc khu đã giúp tạo động lực để thúc đẩy các đặc khu phát triển. Điều đó cho thấy, để các đặc khu có thể hình thành và phát triển nhất thiết phải thu hút được những nhà đầu tư lớn, có uy tín và nguồn vốn dồi dào. Và để làm được điều đó, chính sách và thể chế ở các đặc khu phải thật sự vượt trội.
-
Tạm dừng làm đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong
CafeLand - Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
-
Thủ tướng chỉ đạo Quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc
Thủ tướng Chính phủ mới đây có ý kiến đối với đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo định hướng khu kinh tế.
-
Bước lùi dũng cảm của Phú Quốc
CafeLand - Theo ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản đặc khu (DK Land), việc UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị tạm dừng lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế là ...