Vậy là gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng dành cho bất động sản đã có thông tư hướng dẫn để chính thức giải ngân từ đầu tháng 6 này.

Tuy cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đều tránh dùng từ “giải cứu” nhưng kỳ vọng của không ít người là gói hỗ trợ sẽ giúp phân khúc bất động sản “nóng” nhất và có nhu cầu thực nhất – nhà ở xã hội và giá rẻ – sôi động lên, từ đó kéo cả thị trường hồi phục…

Kỳ vọng từ gói hỗ trợ

Gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng sẽ hỗ trợ thiết thực cho người mua nhà ở xã hội

Theo Thông tư số 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước, các đối tượng được vay vốn bao gồm người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Người mua nhà ở xã hội chỉ cần có hợp đồng trình với ngân hàng kèm theo phương án trả nợ là sẽ được ngân hàng xét cho vay, trong khi đối tượng mua nhà ở thương mại phải có hộ khẩu thường trú, hoặc nếu tạm trú thì phải đóng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp từ một năm trở lên.

Mức lãi suất cho vay là 6%/năm và vào tháng 12 hằng năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, mức này sẽ bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm.

Số tiền hỗ trợ cho một đối tượng cụ thể không phải quá lớn, ví dụ một khoản vay 500 triệu đồng, lãi suất cho vay trên thị trường là 13%/năm, thì năm đầu tiên, người vay được hỗ trợ khoản tiền tương đương 35 triệu đồng, bằng mức chênh lệch lãi suất (13% và 6%) nhân với trị giá khoản vay (500 triệu đồng).

Tuy nhiên, với những người có thu nhập thấp, có nhu cầu thực sự về nhà ở thì khoản hỗ trợấy là khá lớn, có thể khiến họ quyết định vay tiền mua nhà.

Để tránh việc gói ưu đãi bị lợi dụng, cho vay sai đối tượng, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng thương mại vẫn phải áp dụng quy trình thẩm định cho vay bình thường đối với người vay thuộc chương trình này, không có chuyện hạ chuẩn cho vay.

Theo các ban ngành trung ương, số người có nhu cầu mua nhà ở xã hội lên tới cả trăm ngàn. Và trái với suy nghĩ thông thường rằng giai đoạn khó khăn của thị trường vừa qua, người dân sẽ ngại vay tiền, còn ngân hàng cũng ngại cho vay bất động sản, số liệu thống kê cho thấy điều ngược lại.

Dư nợ cho vay bất động sản tính đến hết tháng 3/2013 là 230.951 tỉ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm ngoái. Nghĩa là, nếu tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm nay gần như không nhúc nhích, thì cho vay bất động sản vẫn có tăng.

Một khi năm ngân hàng thương mại nhà nước triển khai chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, người ta tin rằng tăng trưởng tín dụng bất động sản sẽ tăng mạnh hơn. Bởi khi mức lãi suất cho vay ổn định và có lợi cho người vay trong thời gian dài như thế, người ta sẽ tính toán những kế hoạch tài chính dài hạn để tài trợ cho quyết định mua nhà.

Nguồn cung cũng đã sẵn sàng. Chẳng hạn, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thành phố này hiện tồn kho hơn 14 ngàn căn hộ; một số trong đó sau khi chuyển sang làm nhà ở xã hội cộng với các dự án nhà ở xã hội sẵn có sẽ là nguồn cung chủ yếu dành cho người mua nhà đủ điều kiện vay vốn ưu đãi.

Trong năm nay, dự kiến TP.HCM có ba ngàn căn nhà ở xã hội để người mua lựa chọn, trong đó một ngàn căn được chuyển từ nhà tái định cư sang, số còn lại được chuyển từ nhà ở thương mại.

Nên hay không hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp?

Nói gì thì nói, từ khi có các doanh nghiệp bất động sản xây dựng các dự án căn hộ thương mại, khu nhà liền kề, biệt thự…, bộ mặt đô thị của nhiều địa phương trên cả nước đã thay đổi.

Hiện cả nước có khoảng 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai xây dựng với hơn 90.100ha. Nguồn thu ngân sách cũng tăng lên do hoạt động xây dựng, kinh doanh các sản phẩm bất động sản của các doanh nghiệp đem lại.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, nếu như năm 2002 thu ngân sách từ bất động sản chỉ là 5.486 tỉ đồng thì đến năm 2011 đã tăng lên 67.000 tỉ đồng. Vậy nên, một năm 2012 đầy khó khăn với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng khiến cho cả xã hội rất quan tâm.

Làm sao để trợ giúp các doanh nghiệp có những đóng góp cho xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay?

Trong tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết theo Luật hiện hành, việc đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội không thuộc lĩnh vực ưu đãi thuế, tuy nhiên hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện chiến lược về nhà ở, do vậy thu nhập từ hoạt động này cần được khuyến khích ở mức cao nhất.

Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung vào diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Trước đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đồng ý với mức này và bắt đầu áp dụng từ 1/7/2013. Các quy định hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội trong bối cảnh hiện nay cũng là điều cần thiết, cùng với các giải pháp khác sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Không những vậy, trong gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng lần này, các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cũng có phần. Các nhà điều hành cho rằng, nếu chỉ hỗ trợ cho phía cầu, rất có thể sẽ khiến nguồn cung nhà ở xã hội và giá rẻ không đủ đáp ứng, nên gói hỗ trợ sẽ dành ra 30% cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội vay để tăng nguồn cung phân khúc này cho thị trường.

Mục đích của những nhà hoạch định là nhằm kích cầu thông qua việc cho vay đối với người có nhu cầu, đồng thời cũng không quên hỗ trợ phía cung, nghĩa là vừa giúp tạo nguồn cung vừa có thể khiến tăng sức mua, tăng thanh khoản cho thị trường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc dành 30% tổng gói hỗ trợ cho doanh nghiệp là không hợp lý, bởi vừa làm giảm bớt nguồn tiền dành cho người mua, vừa không trợ giúp nhiều cho doanh nghiệp, vì số tiền 9 ngàn tỉ đồng là quá nhỏ so với số vốn mà các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cần.

Xét toàn thị trường, mọi thứ vẫn còn rất khó khăn. Giải quyết vấn đề tăng nguồn cung cho phân khúc nhà ở xã hội và giá rẻ coi nhưổn, nhưng giải quyết lượng hàng bất động sản tồn đọng thế nào là điều không ai dám dự đoán.

Hàng chục ngàn căn hộ đã và đang xây dựng có diện tích lớn trên 70m2, giá bán trên 1 tỉ đồng đang tồn đọng chưa biết đến bao giờ mới bán hết. Với số căn hộ này, hiệu ứng từ gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng liệu có giúp tăng thanh khoản hay không, chúng ta còn phải chờ xem.

Phi Yến (Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.