Ngày 29-10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP phối hợp với Cục Thuế TP tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP HCM, chủ đề liên quan đến hóa đơn điện tử, quy định mới trong lĩnh vực thuế.
Tại hội nghị, ông Phạm Chí Dũng, Trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP HCM, đã thông tin một số chính sách thuế mới và một số vấn đề vướng mắc thường gặp với hóa đơn điện tử.
Rất đông doanh nghiệp tham gia đối thoại lĩnh vực thuế với lãnh đạo Cục Thuế TP HCM.
Theo Cục Thuế TP, quy định mới nhất tại Nghị định số 123 năm 2020 của Chính phủ nêu rõ, từ ngày 1-7-2022 sẽ chính thức bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn giấy tiếp tục áp dụng đến 30-6-2022. Từ nay đến tháng 7-2022, trong lúc cơ quan thuế chưa thông báo các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới, thì các đơn vị kinh doanh vẫn áp dụng hóa đơn như hiện tại.
Do hóa đơn điện tử đang được khuyến khích sử dụng, chưa bắt buộc nên có rất nhiều lúng túng của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai. Nhiều vướng mắc về việc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế; đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế; thủ tục để chuyển đổi hóa đơn điện tử đã đăng ký thành hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế…
"Đặc biệt, quy định của hóa đơn điện tử là ngày lập và ngày ký phải trùng nhau mới hợp lệ, trong khi với nhiều lĩnh vực, yêu cầu này không dễ, nên doanh nghiệp gặp khó khăn" - đại diện một công ty ở quận Tân Bình nêu vướng mắc.
Để thuận tiện và tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong thời gian chuyển tiếp sang hóa đơn điện tử, Cục thuế TP khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thành phần chứa dữ liệu hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế để phù hợp quy định.
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP, cho biết hiện trên địa bàn TP mới có hơn 100 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Con số này còn khá ít ỏi so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn. Và từ tháng 7-2022, khi quy định bắt buộc thì các doanh nghiệp phải áp dụng đại trà. Tổng cục thuế đang xây dựng cơ sở hạ tầng để chứa dữ liệu hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế.
"Hiện nay, có rất nhiều loại hóa đơn điện tử. Nhưng thực tế, báo hoá đơn điện tử là file chứa dữ liệu về hóa đơn, có nghĩa là file XML. Hiện có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp về hóa đơn điện tử nhưng mỗi bên có giải pháp, thiết kế theo chuẩn khác nhau… Do đó, nếu doanh nghiệp giao dịch với nhiều khách hàng, vấn đề đặt ra là có phần mềm đọc được định dạng của tất cả hóa đơn điện tử do đối tác gửi đến không?" - ông Nguyễn Nam Bình đặt vấn đề.
Vướng mắc này đặt ra yêu cầu phải chuẩn hóa hóa đơn điện tử, các quy định của cơ quan quản lý về những chỉ tiêu của hóa đơn điện tử phải sử dụng. Trên cơ sở đó doanh nghiệp nên cân nhắc, lựa chọn những nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử để sử dụng, phù hợp cho 2 năm tới trước khi áp dụng bắt buộc.
Cục Thuế TP đã làm việc với 1-2 nhà cung cấp giải pháp để xử lý bài toán có hàng ngàn định dạng khác nhau về hóa đơn điện tử được gửi tới cơ quan thuế mỗi ngày.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với một đơn vị cung cấp giải pháp và vận động họ cung cấp phần mềm miễn phí cho phép tất cả doanh nghiệp sử dụng trong khoảng thời gian nhất định. Phần mềm này cho phép doanh nghiệp kiểm tra được tính chính xác của hóa đơn. Thực tế có hóa đơn điện tử giả, khi thông tin, chữ ký trên hóa đơn không hợp pháp, phần mềm đó sẽ kiểm tra được tính chính xác của hóa đơn điện tử" - ông Nguyễn Nam Bình nêu rõ.
-
Kiến nghị đánh thuế việc cho thuê chung cư ngắn hạn
CafeLand - Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM xây dựng khung pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn sử dụng dịch vụ Airbnb.