Theo Tổng cục Thống kê, CPItháng 11 đã tăng chậm lại, ở mức 0,34% so với tháng 10, tăng 5,5% so với tháng 12/2012 và tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, tốc độ lạm phát (so với cùng kỳ) trong tháng 11 đã chậm lại ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2003 trở lại đây (chỉ sau năm 2009).

Nguyên nhân chủ yếu do tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, khiến mức tăng giá của những tháng cuối năm nay tăng thấp, trái với thông lệ thường thấy trong 10 năm gần đây.

Phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy lạm phát năm 2013 chủ yếu bị chi phối bởi yếu tố chi phí đẩy (điều chỉnh giá dịch vụ công và giá các nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý).

Tại cuộc giao ban về kinh tế - xã hội tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu đã nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng CPI tăng thấp thể hiện cầu của nền kinh tế đang rất thấp và sức mua đang có dấu hiệu cạn kiệt. Như vậy, khả năng kích cầu tiêu dùng trong tháng 12/2013 cũng như tháng giáp Tết Nguyên đán rất khó khăn.

CPI bị chi phối bởi chi phí đẩy

Trong khi đó, càng về cuối năm, những mặt hàng có tác động tới tiêu dùng của người dân lại đồng loạt tăng giá. Từ ngày 1/12, giá gas tăng kỷ lục gần 80.000 đồng/bình 12kg. Trước đó từ đầu tháng 10, giá nước sạch tại Hà Nội cũng tăng 800 - 2.800 đồng/m3 và còn tăng tiếp trong các năm 2014, 2015. Nỗi lo tăng giá điện cũng đang chực chờ từ đầu năm 2014, khi EVN được phép tự quyết tăng giá điện bán lẻ bình quân tới 7%, cao hơn so với biên độ 5% hiện nay.

Tất nhiên, với quyết tâm điều hành giá các mặt hàng cơ bản theo thị trường, việc các mặt hàng trên tăng giá là không tránh khỏi. Đi kèm theo đó, khả năng thưởng Tết thấp hoặc không có thưởng Tết trong năm nay là điều hiển hiện ở nhiều doanh nghiệp (DN).

Nguồn thu không có, chắc chắn người dân sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu để bù đắp cho những dịch vụ hay mặt hàng thiết yếu tăng giá, thayvì "dốc túi" cho các nhu cầu tiêu dùng cuối năm như những năm trước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng kiềm chế lạm phát là "một thành tựu rất cao" khi năm 2011 là 18,47%, 2012 còn 6,8%, đến năm nay giữ được ở mức 7% và có thể thấp hơn. Ông Hiển cũng đánh giá cao sự ổn định vĩ mô nhìn từ góc độ giá trị đồng tiền, quan hệ tỷ giá, thị trường vàng, ngân hàng thương mại đã vượt qua những khó khăn và dần đi vào ổn định.

"Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua chưa ở mức hợp lý nhất. Năm 2011 đạt 6,24%, đến năm 2012 tụt xuống còn 5,25 và đến năm 2013 thì lại nâng lên một chút là 5,4%. Nhưng rõ ràng theo Quốc hội đánh giá là nếu tăng trưởng dưới 6% thì rất khó khăn", ông Hiển nói.

Cơ sở để đặt ra mục tiêu này là các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn do DN tiếp cận tín dụng khi "cục máu đông" nợ xấu được giải tỏa. Cùng với đó, Quốc hội thông qua chủ trương phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, cũng như nới tỷ lệ bội chi lên 5,3% trong năm 2014, được kỳ vọng sẽ là một cú hích đáng kể về vốn đầu tư từ ngân sách để kích hoạt tăng trưởng. Tuy nhiên, giải pháp này có lan tỏa tới đầu tư của khu vực tư nhân hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Không chủ quan vì lạm phát thấp

Với con số chỉ tăng 0,34% của tháng 11, dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết CPI cả năm chỉ khoảng hơn 6%. Song, theo các chuyên gia, lạm phát được kiềm chế thể hiện sức mua của thị trường yếu, thậm chí là cạn kiệt.

Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chúng ta không nên quá chủ quan vì mức lạm phát thấp. Bởi việc kiềm chế lạm phát hiện nay chưa thật bền vững, về nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp, chưa được cải thiện nhiều.

Hơn nữa, nhìn từ kết quả của giá tiêu dùng không tăng cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của điều hành và có nguyên nhân của nội tại nền kinh tế, mà trong đó cầu trong nước yếu sẽ giữ cho giá cả tiêu dùng không tăng trong trung hạn.

"Chỉ số CPI xuống là mừng nhưng nghĩ kỹ, đây cũng là điều đáng ngại khi có bao nhiêu doanh nghiệp tồn kho, bán đổ bán tháo không ai mua. Vậy CPI xuống do giá xuống hay hàng bán không được? CPI tăng thấp cũng là biểu hiện sức mua cạn kiệt", ông Long nhấn mạnh.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, mới đây đã cho biết kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng khiến sức tiêu thụ thép giảm mạnh, cung vượt cầu. DN cần vốn để tồn tại, nhưng ngân hàng cũng không dám "bơm" tiền vì DN giải quyết được khó khăn thì không sao, mà tiếp tục kinh doanh trì trệ thì nợ xấu lại gia tăng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng trong các chỉ tiêu đặt ra thì đầu tư, tăng trưởng và việc làm là 3 chỉ tiêu quan trọng đều chưa đạt. Điều này không chỉ tác động xấu tới tình hình kinh tế năm 2013 mà còn kéo sang 2014, gây khó khăn cho cả năm tới. DN thì đang trong tình trạng suy kiệt, không thoát ra được, sản xuất co hẹp, nợ xấu cao chưa nhìn thấy hướng ra rõ ràng. Đây là những vấn đề cần được xem xét đánh giá nghiêm túc và phải nhanh chóng khắc phục.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, lạm phát thấp không phải do thành công từ điều hành của Chính phủ mà do kinh tế suy thoái, cầu thấp, cung tự giảm và nhiều lúc thấp đến mức đáng lo ngại, phải tạo ra tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ để đẩy CPI lên.

Việt Nguyễn (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.