CafeLand - Khủng hoảng thị trường nhà đất Hồng Kông ngày càng sâu trong năm nay khi nhiều chủ sở hữu lâm vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm khi đại dịch Covid-19 làm giảm giá nhà xuống gần mức thấp nhất trong một năm qua.

Số lượng các khoản thế chấp nhà ở bị âm vốn - số tiền vay vượt quá giá trị thị trường hiện tại của tài sản – đã tăng gấp ba lên con số 384 vào cuối tháng 3 từ cuối năm 2019, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cho biết hôm thứ Tư. Đó là mức cao nhất kể từ mức 1.307 trong quý 2-2016.

Trong khi con số vẫn dưới mức kỳ vọng của thị trường, lĩnh vực này có thể thấy số lượng cao hơn trong quý hiện tại khi tỷ lệ thất nghiệp tăng và các nhà kinh tế duy trì dự báo ảm đạm cho nền kinh tế của thành phố này.

“Đại dịch vẫn là một nguyên nhân lớn gây ra sự thận trọng đối với nền kinh tế của Hồng Kông và thế giới. Giá nhà vẫn còn có thể giảm trong quý 2. Nếu vậy, số lượng các trường hợp vốn chủ sở hữu âm sẽ tăng hơn nữa”, ông Eric Tso, Phó chủ tịch của dịch vụ môi giới thế chấp mReferral, cho biết.

Tuy nhiên, Tso lưu ý rằng 384 vẫn còn thấp hơn 10.949 trường hợp được ghi nhận ở đỉnh điểm của cơn sóng thần tài chính năm 2008 và 105.697 trong đợt SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003.

Sự gia tăng những trường hợp như vậy trong thời kỳ suy thoái thị trường hiện tại khó có thể đạt được những đỉnh cao lịch sử đó, ông cho biết thêm.

Ngoài ra, các ngân hàng bao gồm HSBC sẽ gia hạn các khoản nợ gốc đối với các khoản thế chấp liên quan đến nhà ở trong chương trình căn hộ bán trợ cấp của cơ quan nhà ở Hồng Kông.

Các số liệu vốn chủ sở hữu âm chỉ bao gồm các khoản thế chấp đầu tiên được cung cấp bởi các tổ chức được ủy quyền. Họ loại trừ các khoản vay từ các chương trình đồng tài trợ, vốn sẽ có vốn chủ sở hữu âm nếu các khoản thế chấp thứ hai được tính đến.

Trong khi đó, giá nhà trên thị trường thứ cấp tăng trung bình 0,4 % trong tháng trước, Cục đánh giá và định giá cho biết. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.

“Chỉ số tốt hơn dự kiến nhưng không phản ánh tác động thực sự của đại dịch và không có nghĩa là giá nhà đã đảo ngược xu hướng giảm cho một xu hướng tăng”, ông Thomas Lam, Giám đốc điều hành tại Knight Frank, cho biết. Sự điều chỉnh trong thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu kết thúc.

Giá nhà trung bình đã giảm 5,4 % kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 5/2019, trước khi các cuộc biểu tình chống chính phủ đưa nền kinh tế Hồng Kong vào thế bí. Cùng với sự bùng nổ của đại dịch, một số chuyên gia tư vấn trong ngành đã kêu gọi một sự điều chỉnh lớn hơn trong thị trường nhà ở đắt nhất thế giới.

Nhu cầu về nhà ở có thể vẫn chậm chạp khi tỷ lệ thất nghiệp của thành phố trong tháng trước đã tăng lên gần mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua, làm giảm nhu cầu đối với chi tiêu lớn.

Derek Chan, người đứng đầu nghiên cứu tại Ricacorp Properties, cho biết kể từ giữa tháng 3, sự trở lại của bệnh nhân coronavirus từ khắp nơi trên thế giới đã làm giảm niềm tin vào thị trường một lần nữa. Cũng giống như một đợt tăng ngắn trong tháng 11, xu hướng trong vài tháng tới sẽ giống như một mô hình ngoằn ngoèo.

Khoảng 86 % số người được hỏi cho biết giá bất động sản hiện tại ở Hồng Kông vẫn còn quá cao, theo một cuộc khảo sát của 500 người Hồng Kông vào giữa tháng 4 bởi cơ quan nhà ở Squarefoot và Nielsen. Khoảng 51 % trong số họ hy vọng giá sẽ giảm trong sáu tháng tới.

Mặc dù người mua nhà có thể được hưởng lợi từ giá bất động sản giảm, quyết định mua và ngân sách của họ vẫn có thể bị thay đổi bởi nhiều yếu tố không chắc chắn như triển vọng việc làm, ông Keneth Kent, Tổng giám đốc của Squarefoot cho biết. “Vì vậy, chúng tôi tin rằng thị trường có thể sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn”, ông Kent dự báo.

Diệu Linh (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.