Việc áp dụng công nghệ hiện đại để giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công và nâng cao chất lượng công trình là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao sức cạnh tranh.
Các công trình cao tầng hiện nay hầu hết là nhà kết cấu bê tông cốt thép. Do đó, để có thể sử dụng các loại vật liệu cường độ cao này, đòi hỏi phải có các thiết bị cũng như biện pháp thi công mới.
Trong đó, cốp pha là vật dụng đóng vai trò quan trọng không chỉ ảnh hưởng lớn đến thời gian thi công mà còn ảnh hưởng tới chi phí và chất lượng công trình.
Cốp pha đóng vai trò quan trọng không chỉ ảnh hưởng lớn đến thời gian thi công mà còn ảnh hưởng tới chi phí và chất lượng công trình
Với sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng, đến nay cốp pha được phân thành nhiều loại khác nhau, phù hợp với từng quy mô, kết cấu công trình.
Cốp pha xây dựng là gì?
Cốp pha được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau như tole, sắt thép, gỗ, nhựa… Trong xây dựng, cốp pha được sử dụng để làm hệ đỡ, giúp định hình bê tông thành hình dạng theo thiết kế đã định. Cốp pha sẽ dựng thành những sản phẩm như cột tường, cột đỡ, kệ… Khuôn cốp pha được làm chắc chắn thì chất lượng bề mặt bê tông càng cao.
Thông thường, hệ cốp pha được cấu tạo với 3 phần chính là ván mặt, sườn cứng và các phụ kiện liên kết, trong đó:
- Ván mặt là phần tiếp xúc trực tiếp với bê tông và là phần quan trọng giúp định hình bê tông.
- Sườn cứng là bộ phận liên kết trực tiếp với mặt ván, có khả năng chịu lực chính cho toàn bộ hệ thống.
- Các phụ kiện liên kết có tác dụng liên kết các tấm cốp pha, đảm bảo cốp pha được kết cấu bền chặt.
Ngày nay, cốp được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng, từ dân dụng cho đến công nghiệp nhờ ưu điểm lắp ráp và tháo gỡ nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí thi công. Ngoài ra, việc sử dụng cốp pha còn đảm bảo an toàn, tính thẩm mỹ cho công trình.
Yêu cầu chất lượng của cốp pha trong xây dựng
Cần lựa chọn loại cốp pha phù hợp để đảm bảo chất lượng của công trình
Với sự phổ biến trong thi công, xây dựng công trình, cần lựa chọn loại cốp pha phù hợp để đảm bảo chất lượng của công trình. Một hệ cốp pha khi sử dụng trong các công trình xây dựng phải đạt những yêu cầu kỹ thuật sau:
- Cốp pha phải đảm bảo độ kín khít để có thể chứa được bê tông tươi và lỏng ở bên trong
- Hình dạng khuôn, kích thước, vị trí lắp phải đạt chuẩn theo thiết kế chế tạo
- Quá trình đỡ vữa bê tông thì cốp phải có khả năng chịu lực tốt
- Sau khi sử dụng thì quá trình tháo ra phải dễ dàng, di chuyển và tái sử dụng được một cách hợp lý
Cốp pha xây dựng có những loại nào?
Để đáp ứng yêu cầu của ngành xây dựng, hiện nay có nhiều loại cốp pha được làm từ nhiều chất liệu cũng như đặc tính khác nhau phù hợp với từng loại công trình.
Đơn cử, phân loại cốp pha theo vật liệu chế tạo khuôn, thị trường có các loại như cốp pha thép, cốp pha nhôm, cốp pha gỗ tự nhiên, cốp pha gỗ công nghiệp, cốp pha composite.
1. Cốp pha thép định hình
Cốp pha thép được chế tạo gia công cơ khí từ những khung thép định hình và căng bề mặt bằng tấm thép mỏng.
Do có trọng lượng lớn nên cốp pha thép thường được gia công với diện tích nhỏ, quá trình thi công cần nhiều nhân lực lắp ghép, ráp các tấm nhỏ thành một diện tích lớn và đòi hỏi một hệ thống giàn giáo chắc chắn làm bệ đỡ.
Mặt khác, bề mặt của thép có khả năng bám dính bê tông, vữa nên khi tháo dỡ, vận chuyển phải tiến hành gia công, xử lý để có thể tải sử dụng.
2. Cốp pha gỗ tự nhiên
Cốp pha gỗ tự nhiên
Loại cốp pha này được ghép từ những thanh gỗ tự nhiên, được xẻ theo độ dày phù hợp tạo thành mặt phẳng phục vụ việc đổ bê tông vào khối.
Hiện nay, loại cốp pha này được sử dụng phổ biến trong các công trình nhà ở, đặc biệt là nhà cấp 4, nhà 1, 2 tầng ở nông thôn do nguyên liệu dễ tìm cũng như cách thức thi công khá đơn giản.
Tương tự như loại cốp pha thép, cốp pha gỗ tự nhiên thường được gia công với diện tích nhỏ. Để tạo thành khuôn đổ bê tông đòi hỏi nhân lực cần phải ghép các tấm mỏng với nhau.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của cốp pha gỗ là trong quá trình sử dụng sẽ bị các yếu tố như nhiệt độ, thời tiết tác động trở nên cong vênh, bề mặt dễ bị biến dạng dẫn đến bề mặt khối đổ nhìn chung không đảm bảo.
3. Cốp pha gỗ công nghiệp
Cốp pha công nghiệp được sản xuất từ nguyên liệu gỗ tự nhiên. Sản phẩm này trải qua quá trình xử lý, chế biến để đảm bảo tính chất cơ lý, hóa học đồng đều hơn.
Cốp pha gỗ công nghiệp
Tuy không yêu cầu khắt khe về độ lớn hay tuổi thọ gỗ, nhưng cốp pha loại này vẫn có bề mặt phẳng và chống dính tốt do được phủ lớp phim cứng và bóng.
Đây là loại cốp pha được sử dụng phổ biến, nhất là trong thi công các công trình có diện tích sàn lớn nhờ ưu điểm kích thước lớn, độ đồng đều cao, bề mặt và các cạnh phẳng nên việc thi công, lắp ghép rất dễ dàng và nhanh chóng.
Các tấm cốp pha công nghiệp có thể được liên kết với nhau bằng cách đóng đinh, bắt vít, khoan… từ đó tạo ra khối bê tông có bề mặt phẳng, có tính thẩm mỹ cao.
4. Cốp pha composite – nhựa tổng hợp
Cốp pha composite được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, có độ chuẩn kích thước rất cao và đa dạng về hình dạng.
Cốp pha Composite
Nhìn chung, loại cốp pha này có đặc điểm giống với cốp pha gỗ công nghiệp nhưng ưu việt hơn về trọng lượng và có khả năng tái sử dụng nhiều lần, sử dụng tốt trong nhiều môi trường khác nhau.
Tương tự, phân loại theo dạng kết cấu bê tông, 2 loại cốp pha chính đang sử dụng phổ biến hiện nay là cốp pha cột và cốp pha sàn.
Cốp pha cột
Cốp pha cột với hệ xương cốp pha xây dựng bằng thép là 55mm x 2,5mm, tạo kết cấu ổn định vững chắc khi đổ cột hay tường vây. Trong đó, loại cốp pha cột tròn được liên kết bằng bulong, còn cốp pha cột vuông sẽ được liên kết bằng jun kẹp và thanh V góc.
Cốp pha sàn
Cốp pha sàn hay còn gọi là cốp pha dầm sàn được sản xuất từ chất liệu tôn, trang bị hệ xương tạo độ chắc chắn cho cốp pha.
Trong thi công, loại cốp pha này sẽ liên kết với hệ chống đỡ của cốp pha, hệ dầm, xà gồ, sử dụng cho việc đổ bê tông, dầm, cột.
Trên đây là thông tin về một số loại cốp pha cơ bản được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng. Tùy thuộc vào tính chất và loại hình công trình mà mọi người có thể lựa chọn loại cốp pha xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu thi công.
-
Bê tông siêu nhẹ là gì? Có nên xây nhà bằng vật liệu này không?
Với khả năng chống cháy tốt và độ bền cao, tấm bê tông siêu nhẹ đang là xu hướng mới trong xây dựng nhà lắp ghép, vách ngăn, sàn và mái nhà hiện nay.