Công ty CP Gang thép Cao Bằng (mã chứng khoán CBI) được thành lập vào năm 2006, do Tổng Công ty Khoáng sản, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng và Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim tỉnh Cao Bằng sáng lập.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại gang thép và vật liệu xây dựng.
Công ty CP Gang thép Cao Bằng lỗ sau thuế 150 tỷ đồng năm 2024
Mới đây, Gang thép Cao Bằng đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu thuần đạt gần 467 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng đến 73% dẫn đến công ty lỗ gộp hơn 26 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 49 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Gang thép Cao Bằng ghi nhận âm 180 triệu đồng. Chi phí tài chính giảm được gần 25%, xuống còn 18,7 tỷ đồng. Còn chi phí bán hàng tăng gần 23 lần lên hơn 14,3 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên gấp 5,5 lần lên 39,8 tỷ đồng.
Kết quả, Gang thép Cao Bằng lỗ sau thuế gần 99 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 16 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2024, nhà sản xuất thép này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.188 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế hơn 150 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi hơn 1,6 tỷ đồng.
Với việc thua lỗ 150 tỷ đồng trong năm vừa qua, đây là kết quả kinh doanh kém nhất 5 năm qua của Gang thép Cao Bằng, sau mức lỗ tương đương của năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2024, Gang thép Cao Bằng lỗ lũy kế 143 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Gang thép Cao Bằng ở mức 1.976 tỷ đồng, tăng hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng gần 14%, đạt 903 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền của công ty còn hơn 1 tỷ đồng, giảm hơn 94% so với hồi đầu năm.
Bên kia nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2024 tăng 11% đạt 1.689 tỷ đồng, trong đó nợ vay hơn 782 tỷ đồng.
Trước đó, trong chương trình công tác tại tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tình hình hoạt động tại nhà máy của Công ty CP Gang thép Cao Bằng.
Nhà máy gang thép Cao Bằng nằm trong Khu liên hợp gang thép Cao Bằng được xây dựng trên địa bàn xã Chu Trinh, TP Cao Bằng với quy mô gần 80 ha, tổng mức đầu tư 1.911 tỷ đồng.
Dự án này được đầu tư dây chuyền công nghệ khép kín, sản xuất phôi thép từ quặng sắt với quy mô thiết kế hơn 220.000 tấn phôi thép/năm. Khi đi vào hoạt động, doanh thu ước đạt 1.500 tỷ đồng/năm, giải quyết cho 1.500 lao động tại nhà máy.
Báo cáo tình hình hoạt động của công ty, lãnh đạo Gang thép Cao Bằng cho biết đã hoàn thành công tác thăm dò và lập báo cáo, trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản phê duyệt trữ lượng mỏ sắt Nà Rụa; lập báo cáo đầu tư khai thác lộ thiên mỏ.
Được biết, dự án khai thác mỏ sắt Nà Rụa có tổng trữ lượng đạt hơn 16,7 triệu tấn quặng sắt, sản lượng khai thác đạt 350.000 tấn tinh quặng sắt/năm.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Cao Bằng triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng với mỏ sắt Nà Rụa để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
-
Hòa Phát, Nam Kim… và loạt doanh nghiệp thép mạnh tay đầu tư nhà máy mới để “đón sóng” thị trường bất động sản
Trong khi dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát sẽ bắt đầu chạy thử đầu quý 1/2025, nhiều doanh nghiệp ngành thép khác cũng đang chuẩn bị nguồn vốn để xây thêm nhà máy mới, đón sóng phục hồi của thị trường....
-
Những khoản lãi ngành thép 2024 dần lộ diện, một hãng thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa báo lợi nhuận tăng hơn 1.100%
Doanh nghiệp này đánh giá thị trường thép năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần ổn định trở lại.
-
Hãng thép top đầu miền Nam sở hữu 3 nhà máy lớn giờ lâm cảnh thua lỗ nghìn tỷ, giá cổ phiếu thua ly trà đá, lãnh đạo thoái vốn bất thành
Ra đời từ cuối thập niên 2000, Công ty CP Thép Pomina (Mã: POM) từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất cả nước với 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng, tổng công suất 2,6 triệu tấn/năm....