Bằng việc phù phép vào 2 dự án ở Long Hậu, tỉnh Long An giúp IPC thu được chênh lệch hàng trăm tỷ đồng
IPC hưởng lợi sai luật từ nhiều dự án
Thanh tra TP HCM xác định việc IPC góp vốn đầu tư và chuyển nhượng tại một số dự án có nhiều dấu hiệu sai phạm. Kết luận của cơ quan này xác định IPC đã bắt tay cùng Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) thực hiện dự án xây dựng Khu định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Mặc dù danh nghĩa SADECO là chủ đầu tư, nhưng IPC góp vào gần 500 tỷ đồng bằng 3 hợp đồng góp vốn. Tính đến thời điểm Thanh tra TP HCM vào cuộc xác định IPC đã chuyển 473 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án này.
Sau đó, IPC đã thực hiện chuyển nhượng nền đất được nhận từ việc góp vốn với SADECO từ dự án này, để thu lợi hàng tỷ đồng.
Kết luận thanh tra xác định, chỉ riêng tại dự án Khu định cư An Phú Tây, IPC đã đổi các hợp đồng góp vốn, để nhận tổng diện tích các nền đất là 25.066,3m2 và 1 chung cư R1 (diện tích 17.932m2). Các bất động sản kếch xù này, là cơ sở để IPC sau đó tiến hành chuyển nhượng nền đất khi đủ điều kiện.
Không chỉ riêng tại dự án An Phú Tây, bằng việc “phù phép” mục đích sử dụng từ tái định cư sang đất kinh doanh, IPC đã hợp thức hóa xin điều chỉnh từ đất quy hoạch xây chung cư (85.509,6m2) sang đất nền.
Vào thời điểm tháng 8/2018, Thanh tra TP xác định toàn bộ phần diện tích này chưa được chấp thuận chuyển mục đích kinh doanh và chưa được chuyển từ chung cư sang đất nền theo quy định của pháp luật.
Mặc dù pháp lý chưa rõ ràng, nhưng IPC vẫn phát thư mời hợp tác đầu tư, kinh doanh dự án Khu định cư An Phú Tây và quảng cáo rầm rộ trên nhiều phương tiện báo chí, thông tin đại chúng vào thời điểm đó.
Giai đoạn ông Tề Trí Dũng làm Tổng GĐ của IPC đã ký đến 6 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với đơn giá 7 – 8,8 triệu đồng/m2.
Sau đó, ông Dũng và các “sếp chóp bu” tại IPC đã “phù phép” chuyển nhượng thành công 24.559,9m2, thu về khoản lợi nhuận siêu khủng là 186 tỷ đồng.
Liên quan đến phi vụ này, Thanh tra TP HCM đã đề xuất với thành phố lập đoàn thanh tra để tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kết luận các sai phạm của IPC tại dự án này.
Cũng dưới sự điều hành của ông Tề Trí Dũng, Công an TP HCM xác định ông Dũng có dấu hiệu tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Các cáo buộc liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng bất động sản cho thuê là tòa nhà văn phòng văn phòng IPC. Trên thực tế, IPC là công ty 100% vốn Nhà nước, nhưng tòa nhà IPC tại TP HCM chỉ được sử dụng một phần, còn lại cho 81 đơn vị khác nhau thuê lại.
Nhờ đó, tổng doanh thu cho thuê trong 7 năm gần đây nhất của IPC được kết luận thanh tra xác định lên tới 295 tỷ đồng. Mặt dù vậy, IPC liên tục báo lỗ và phải vay tiền ngân hàng lên đến 8 tỷ đồng.
Không chỉ tại các dự án trên, IPC còn liên quan đến các sai phạm về chấp hành quy định pháp luật trong góp vốn đầu tư dự án và việc chuyển nhượng sản phẩm được phân chia của IPC tại một số dự án tại huyện Nhà Bè, TP HCM.
Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương, quá trình đầu tư góp vốn hình thành liên doanh và tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Công ty Cảng container Trung tâm Sài Gòn cũng được phát hiện có liên quan đến sai phạm của IPC.
Cản trở hoạt động thanh tra
Một lãnh đạo Thanh tra TP HCM cho biết, một số lãnh đạo IPC đã gây rất nhiều khó khăn cho đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bằng nhiều chiêu thức đối phó, cản trở hoạt động thanh tra.
Vụ IPC hợp tác thực hiện Dự án tái định cư ở Long Hậu (tỉnh Long An), nhưng thực chất IPC sau đó đã nhanh chóng bán dự án cho Công ty Hồng Lĩnh (gọi tắt là Hồng Lĩnh).
Tại dự án này, IPC được duyệt hơn 60.000 m2 dành để tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án KCN Long Hậu (do công ty CP Long Hậu làm chủ đầu tư) và Khu dân cư Long Hậu.
Đến năm 2006, IPC và Hồng Lĩnh đã đạt được hợp đồng hợp tác, trong đó IPC được phía Hồng Lĩnh hoàn trả toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí ban đầu theo sổ sách khi đầu tư vào dự án ở Long Hậu. Đổi lại, Hồng Lĩnh có toàn quyền thực hiện dự án và toàn quyền khai thác kinh doanh.
Đáng chú ý, hai công ty này đã thỏa thuận để IPC được mua lại nền tái định cư của Hồng Lĩnh với giá 630.000 đồng/m2 cho toàn bộ hơn 60.000 m2 đất trên.
Và mặc dù, IPC phải mua đất nền tái định cư với giá 630.000 đồng/m2 nhưng sau đó bán lại với giá rất thấp (từ 398.000 đồng/m2 đến 564.000 đồng/m2) để bố trí cho 100% nhu cầu tái định cư từ dự án KCN Long Hậu.
Nhờ chiêu thức trên, Hồng Lĩnh hưởng lợi khủng bằng cách bán ra thị trường nhiều nền đất thương mại (do Hồng Lĩnh nắm quyền), với giá chót vót từ 700.000 đồng/m2 đến 4,5 triệu đồng/m2. Việc “đi đêm” giữa IPC và Hồng Lĩnh sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui trong thời gian tới.
Theo các thông tin ban đầu, tính đến tháng 8/2018, Thanh tra TP HCM xác định Hồng Lĩnh đã “lại quả” số tiền hơn 69 tỷ đồng, trong tổng số 150 tỷ đồng mà IPC bỏ ra mua nền đất tái định cư; đối với Công ty Long Hậu cũng trả hơn 74 tỷ đồng cho IPC. Kết luận thanh tra xác định trong các phi vụ “lại quả” trên, Công ty Long Hậu là pháp nhân độc lập.
Và, đáng lẽ ra IPC phải bán nền đất tái định cư theo giá thị trường nhưng đã “phù phép” để hưởng lợi từ dự án, cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát dẫn đến thiệt hại tài chính, gián tiếp giúp cho hai Công ty Long Hậu và Hồng Lĩnh chiếm dụng vốn Nhà nước suốt một thời gian dài.
Liên quan đến các sai phạm của cá nhân ông Tề Trí Dũng và phía Công ty IPC, Công an TP HCM cũng đã quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc của SADECO để điều tra về hành vi “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.