HĐXX đã chấp nhận yêu cầu đòi tiền bồi thường của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, phạt công ty Quốc Cường số tiền 285 triệu đồng về việc chậm giao căn hộ.
Riêng yêu cầu trả lãi chậm thanh toán như yêu cầu của chị Ngọc, tòa không xem xét vì không có căn cứ. Ngoài ra, công ty Quốc Cường còn phải trả gần 13 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Chung cư Quốc Cường Gia Lai, số 421 Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM
Theo đơn kiện, phía công ty Quốc Cường đã chậm giao căn hộ A1057 thuộc chung cư Quốc Cường Gia Lai cho chị Ngọc là 22 tháng (từ tháng 7/2009 – 23/4/2011) với số tiền phạt theo hợp đồng là 420 triệu đồng và số lãi chậm trả số tiền này từ 4/2011 đến nay là 78 triệu đồng, tổng số tiền lên tới 498 triệu đồng.
Đại diện công ty Quốc Cường là ông Phan Thế Bảo (Giám đốc đại diện pháp luật) biện minh, do mua lại hợp đồng thanh lý căn nhà từ hai đời chủ trước, đến ngày 1/3/2010 chị Ngọc mới kí hợp đồng chính thức với công ty.
Từ thời điểm đó, việc giao nhà đã trễ 8 tháng, chị Ngọc tuy đã biết trước là sẽ giao nhà trễ nhưng vẫn ký hợp đồng, do vậy với số tiền góp vốn gần 1,2 tỷ đồng, chị Ngọc yêu cầu đòi bồi thường gần 500 triệu đồng là không chấp nhận được.
Ông Bảo còn khẳng định: bản chất của hợp đồng này là hợp đồng góp vốn xây dựng nhà chứ không phải hợp đồng mua bán nhà, sau khi khu chung cư hoàn thành công ty mới làm hợp đồng bán nhà cho khách hàng.
Khi kí hợp đồng, do sơ sót nên công ty ghi trễ thời gian giao căn hộ tới 8 tháng. Do đó điều khoản về thời hạn trong hợp đồng này là vô hiệu và yêu cầu của chị Ngọc là vô lý.
Tuy nhiên chị Ngọc cho rằng, khi mua lại hợp đồng từ người khác, chị đã nộp đủ 95% số tiền theo quy định cho công ty Quốc Cường, ngoài ra chị còn phải chịu thêm số tiền chênh lệch giá từ chủ cũ. Do đó, chị có quyền được hưởng mọi quyền lợi từ chủ cũ, trong đó có cả điều khoản phạt chậm giao căn hộ từ năm 2009.
Chị Ngọc còn cho biết thêm, không chỉ chị mà có tới 23 người khác rơi vào trường hợp tương tự, trong đó phía công ty Quốc Cường đã chấp nhận trả phạt cho 19 người, còn lại thì dây dưa không chịu giải quyết buộc chị cùng 4 người khác phải làm đơn kiện công ty này ra tòa.
HĐXX nhận định, chính công ty Quốc Cường ban hành mẫu hợp đồng và đã đem vào sử dụng; khi việc ký kết giữa công ty và các bên hoàn tất thì các điều khoản trong hợp đồng này đều có giá trị pháp lý.
Vì vậy, lập luận của vị đại diện của công ty cho rằng hợp đồng giữa chị Ngọc và công ty Quốc Cường ghi sai nên không có hiệu lực đã bị HĐXX bác bỏ.
Còn về phía chị Ngọc, HĐXX cũng phân tích tất cả các hợp đồng dạng chuyển nhượng phải thanh lý hợp đồng cũ rồi mới kí được hợp đồng mới, nếu chị cho rằng mình được thừa hưởng quyền lợi từ chủ cũ thì chị cần phải có thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản với chủ cũ, lúc đó tòa mới xem xét.
Ngoài ra, HĐXX còn nhấn mạnh, ngay từ khi kí kết, hợp đồng này đã có dấu hiệu sai phạm, hai bên phát hiện ra nhưng không thỏa thuận giải quyết từ sớm nên mới dẫn tới những hệ lụy phát sinh kéo dài.