Dự án Thăng Long Garden (250 Minh Khai, HN) bị “tố” vi phạm xây dựng 2 năm, vẫn chưa bị xử lý
Điểm mặt các vi phạm
Không quá khó để chỉ ra những công trình tồn tại như có sự “bảo kê” của cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương. Điển hình: Công trình xây dựng khu nhà ở liền kề tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình xây dựng tại đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy); Công trình xây dựng sai phép tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu, phường Hàng Bài (Hoàn Kiếm); các công trình tại phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng)...
Nói về câu chuyện này, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Xử lý các công trình vi phạm rất phức tạp và tốn kém kinh phí của cả chủ đầu tư và của nhà nước. Riêng việc tổ chức cưỡng chế đã tốn hàng tỷ đồng với mỗi công trình.
Theo phản ánh của khách hàng, dự án Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Cty CP may Thăng Long làm chủ đầu tư tồn tại 2 năm về sai phép liên quan đến diện tích đất cho cây xanh, bãi đỗ xe biến thành tòa văn phòng của ban quản lý dự án (với diện tích sử dụng 176m2); tự ý nâng số căn hộ từ 316 lên 416 căn; xây tòa nhà 2 tầng tổ chức tiệc cưới và sân tennis trên ô đất rộng khoảng 700m2..., nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý.
“Sai phạm của chủ đầu tư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cư dân tòa nhà đang sinh sống. Cư dân chờ đợi 2 năm nay, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn”, anh Trần Hồng Quảng, tầng 11, tòa A2 Thăng Long Garden nói.
Ông Dương Minh Hữu-Đội phó Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng nói: “Việc xây sân tennis của chủ đầu tư, chúng tôi đang hoàn thành hồ sơ để báo cáo”.
Ông Nguyễn Trọng, cán bộ thanh tra quận Cầu Giấy cho biết, dự án nằm trên địa bàn, nếu xảy ra vi phạm, thì lực lượng thanh tra phải biết. “Hiện nay thiếu chế tài xử phạt cán bộ thanh tra mà chỉ kỷ luật cảnh cáo ở cơ quan”, ông Trọng nói.
Một lãnh đạo thanh tra quận Tây Hồ cho rằng, cán bộ thanh tra không phát hiện ra sai phạm các công trình xây dựng trên địa bàn quản lý có thể xử lý theo luật công chức. Tùy vào mức độ vi phạm, cán bộ thanh tra có thể bị cảnh cáo, cho thôi việc. Thậm chí nghiêm trọng sẽ có thể chuyển qua hình sự. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, trên địa bàn mình quản lý chưa có cán bộ thanh tra nào bị xử lý hình sự.
Tiếp tay cho sai phạm
Theo Phó Giám đốc Phong, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt công trình vi phạm không phép, sai phép do việc cấp phép xây dựng chưa đồng đều giữa các quận, huyện, thị xã. Chất lượng cấp phép ở một số địa phương còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ...
“Lực lượng thanh tra chưa kiểm soát được toàn bộ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận thanh tra còn yếu, không kiên quyết trong xử lý vi phạm. Ngoài ra, sự phối hợp giữa lực lượng thanh tra xây dựng và thanh tra tài nguyên và môi trường về quản lý sử dụng đất đai còn chưa chặt chẽ. Tại một số quận, huyện đã phải xử lý kỷ luật cán bộ liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng như tại quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Sóc Sơn…”, ông Phong nói.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các công trình xây dựng lớn không phép, sai phép. Nhiều công trình phạt xong, chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm.
“Một dự án có quy mô mấy chục tầng nằm trên địa bàn ông quản lý mà khi sai phạm lại không biết? Nhà dân phạt được, sao dự án lớn lại không”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, các trường hợp vi phạm không được phát hiện và xử lý cho thấy có khả năng cán bộ quản lý xây dựng thuộc UBND các xã và trật tự xây dựng tiếp tay cho vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm.