28/03/2016 8:15 AM
Dự án (DA) xây dựng trạm cấp nước sạch phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) do Ban QLDA huyện Từ Liêm (cũ) làm chủ đầu tư với số vốn gần 24 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2009.
Công trình chục tỷ nằm "đắp chiếu" gần 7 năm nay.
Những tưởng, khi công trình hoàn thành, người dân sẽ thoát cảnh phải sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt, chẳng ngờ đến tận thời điểm này, người dân vẫn khát nước sạch còn công trình vẫn "đắp chiếu"…
Tưởng sớm nhất, hóa... muộn nhất
Như phản ánh của Báo Hànộimới trong số báo ra ngày 20-5-2015: Năm 2008, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã phê duyệt điều chỉnh DA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch xã Thượng Cát với tổng vốn đầu tư gần 24 tỷ đồng, công suất thiết kế của trạm là 1.800m3/ngày đêm. Có thể nói, tại thời điểm đó, Thượng Cát sẽ là một trong những xã sớm nhất của huyện Từ Liêm được sử dụng nước máy. Lý do của sự "ưu ái" này chính là tại xã Thượng Cát đã có một trạm cấp nước (TCN) thô để bơm lên Nhà máy Nước Mai Dịch.
Tận dụng TCN này cũng như giảm chi phí đầu tư khoan giếng mới, tháng 4-2007, UBND huyện Từ Liêm đã được Công ty Kinh doanh Nước sạch (KDNS) Hà Nội đồng ý cho đấu nối, sử dụng nguồn nước từ TCN thô này dẫn về hệ thống xử lý nước sạch Thượng Cát. Sau đó, DA hệ thống cấp nước sạch Thượng Cát được triển khai và hoàn thành toàn bộ dây chuyền xử lý nước gồm: Hệ thống cấp nước thô, bể lắng, bể lọc, bể chứa, mạng lưới đường ống dẫn vào các ngõ ngách và từng hộ…
Chẳng ngờ, đến tháng 9-2009, Công ty KDNS Hà Nội có văn bản thông báo tới UBND huyện Từ Liêm cho rằng nếu đấu nối cấp nước cho Thượng Cát, công suất của TCN thô hiện có sẽ không đủ nước cấp về Nhà máy Nước Mai Dịch. Do đó, Công ty đề nghị bố trí 2 vị trí để thực hiện xây dựng 2 trạm giếng mới để phục vụ hệ thống cấp nước sạch Thượng Cát. Thế là, đáng lý là địa phương được dùng nước máy sớm nhất huyện Từ Liêm thì đến thời điểm này, Thượng Cát trở thành phường duy nhất của quận Bắc Từ Liêm chưa được dùng nước sạch.
Ông Đàm Văn Sách - Bí thư Chi bộ TDP Thượng Cát 1, bức xúc: Người dân ai cũng mong được sớm có nước sạch để dùng, chứ nước giếng khoan không yên tâm. Cũng như hộ ông Sách, hộ ông Đinh Tiếp Tục (TDP Thượng Cát 3), lo ngại nước giếng khoan không bảo đảm nên thường xuyên phải sử dụng máy lọc nước. 10 năm qua, ông đã bỏ ra 15 triệu đồng (3 năm/lần) mua máy lọc nước mới. Điều khiến các ông bức xúc là, ngay từ năm 2008-2009, nhiều hộ dân đã đóng tiền, ít thì 500.000-700.000 đồng, nhiều thì tiền triệu để mua đồng hồ, đường ống đấu nối vào nhà mà vẫn không thấy nước sạch.
Bao giờ có nước sạch?
Từ phản ánh của Báo Hànộimới, ngày 20-5-2015, UBND thành phố đã có Văn bản 3390/UBND-XDGT về việc bàn giao tiếp nhận hệ thống nước sạch phường Thượng Cát, theo đó giao Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp các sở liên quan và UBND quận Bắc Từ Liêm, Công ty KDNS Hà Nội bàn giao, tiếp nhận, quản lý tài sản và đầu tư, cải tạo hệ thống bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân. Ngày 30-12-2015, thành phố lại tiếp tục có Văn bản 9063/VP-XDGT đề nghị Sở Xây dựng, UBND quận Bắc Từ Liêm, Công ty KDNS Hà Nội khẩn trương phối hợp giải quyết các vướng mắc để cung cấp nước sạch cho nhân dân; báo cáo UBND thành phố trong tháng 1-2016.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Chánh Văn phòng quận Bắc Từ Liêm cho biết: Thực hiện chỉ đạo, Ban QLDA quận đã phối hợp Công ty KDNS tiến hành bàn giao hồ sơ pháp lý DA, kiểm đếm hiện trạng (ngày 8-10-2015) và bàn giao hiện trạng tài sản DA (ngày 20-10-2015). Điều quan trọng nhất cần giải quyết hiện nay (theo hướng dẫn của Sở Tài chính) là việc xác định giá trị chuyển giao tài sản hệ thống cấp nước.
Do đó, quận phải thuê đơn vị thẩm định giá độc lập để xác định giá trị của hệ thống; từ đó Sở Tài chính mới chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định giá trị tài sản (GTTS), làm cơ sở báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định. Hiện, quận đã làm việc với đơn vị thẩm định giá là Công ty CP Tư vấn - Dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC. Đơn vị này cho biết, chậm nhất cuối tháng 3-2016 sẽ có kết quả.
Trong khi đó, làm việc với Công ty KDNS Hà Nội, ông Trần Văn Hòa - Phó Ban QLDA Đầu tư công trình cấp nước khẳng định: "Dù có nguồn nước thì hệ thống cấp nước sạch hiện nay của Thượng Cát cũng không thể hoạt động". Lý do là, cuối năm 2015, sau khi tiếp nhận về hiện trạng hệ thống cấp nước sạch tại Thượng Cát, đơn vị đã kiểm tra hiện trạng, thử áp lực sau 7 năm "đắp chiếu", có đến 80-90% hệ thống không đạt yêu cầu để đưa nước vào.
Cụ thể, chỉ có 2/16 tuyến ống chính và 5/82 tuyến ống nhánh đạt yêu cầu về thử áp lực; có 19 tuyến ống không tìm được van, 9 tuyến ống không tìm được điểm cuối. Vì vậy, nếu muốn đưa nước về khu dân cư, phải đầu tư sửa chữa và cải tạo lại. Công ty KDNS đã lập DA (dự toán vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng để khoan giếng, cải tạo sửa chữa hệ thống đường ống, lắp đặt đồng hồ), trình Sở Xây dựng thẩm định. Song do chưa có hồ sơ đánh giá và bàn giao GTTS còn lại; khối lượng cải tạo, sửa chữa chỉ là tạm tính (việc xác định điểm rò rỉ cụ thể và phương án sửa chữa chỉ có thể thực hiện khi triển khai thi công ngoài thực địa) nên hồ sơ bị trả về.
Bao giờ người dân Thượng Cát mới có nước sạch sử dụng? Ông Hòa cho biết: Về nguồn nước, Công ty đã được bố trí và khoan thăm dò, xác định được 2 điểm để xây dựng giếng nước: 1 nằm trên đất Thượng Cát và 1 nằm trên đất Tây Tựu; hiện đang trình UBND quận Bắc Từ Liêm phê duyệt phương án đền bù, GPMB và trong tháng 4-2016 sẽ tổ chức đấu thầu, trong tháng 5-6 sẽ triển khai thi công. Về mạng lưới đường ống cấp nước, do chưa có kết quả thẩm định GTTS còn lại từ quận Bắc Từ Liêm nên mọi việc vẫn… chờ. Ông Hòa cho biết: "Nếu nhanh cũng phải hết mùa hè năm nay, dân Thượng Cát mới có nước sạch sử dụng".
Dạ Khánh (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.