Cần có cơ chế hợp lý trong quản lý và sử dụng kinh phí cho việc bảo trì, bảo dưỡng các khu nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phan Anh
Hay hỏng, nhưng chậm sửa
Hãy bắt đầu từ cái "mắt thần" của hệ thống thang máy tại các chung cư. Ai cũng hiểu cái thang máy có vai trò quan trọng thế nào tại các tòa nhà cao hàng chục tầng. Chỉ cần trục trặc một chút, người dân lập tức phải leo bộ hàng trăm bậc cầu thang. Thế nhưng, tại các khu TĐC Nam Trung Yên, Đền Lừ hay khu 5,3ha Dịch Vọng… thang máy hỏng là chuyện không hiếm. Ông Nguyễn Văn Đức (P604, tòa nhà B3B, khu TĐC Nam Trung Yên) cho biết, tòa nhà có 2 thang máy nhưng thỉnh thoảng một thang lại bị hỏng. Sau mỗi lần hỏng, sau khi nhận được thông báo của người dân, đơn vị quản lý nhà mới cho nhân viên xuống kiểm tra. Hầu hết nguyên nhân gây hỏng thang máy được kết luận là hỏng "mắt thần". Từ lúc phát hiện ra trục trặc, phải mất vài ngày sự cố này mới được khắc phục do đó đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân.
Tại khu TĐC 5,3ha Dịch Vọng, bà Chu Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ dân phố 16 (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, khu TĐC này đã được đưa vào sử dụng từ năm 2005 nhưng nay đã xuống cấp nhiều. Thang máy các tòa nhà N03, N04 lâu lâu lại hỏng một lần cũng với nguyên nhân chủ yếu là hỏng "mắt thần". Mà không chỉ có "mắt thần", tòa nhà N03 chỉ có hai máy bơm để cấp nước cho hơn 350 hộ dân nhưng một chiếc đã hỏng từ hơn một năm vẫn chưa được thay thế. Chúng tôi cũng thắc mắc không biết khoản 2% giá trị căn hộ mỗi hộ dân phải nộp ngay từ khi ký hợp đồng mua nhà (trung bình khoảng 6-20 triệu đồng/hộ tùy theo diện tích) để dành cho công tác bảo trì, sửa chữa thì ai đang quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này thế nào? Người dân mong muốn được thành lập ban quản trị cho mỗi tòa nhà theo đúng quy định của Luật Nhà ở song không hiểu sao đến nay cơ quan quản lý nhà chưa triển khai.
Cơ chế quản lý thiếu khoa học
Hàng loạt các bức xúc nói trên đã được người dân phản ánh tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong buổi lãnh đạo thành phố đi thị sát nhà TĐC đầu tháng 11-2012. Về vấn đề chậm trễ trong việc sửa chữa thang máy cũng như khắc phục các sự cố khác, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội giải thích, theo quy định hiện hành, khi xảy ra hỏng hóc, công ty phải mời các bộ phận liên quan của Sở Xây dựng và đại diện tổ dân phố xác nhận. Sau đó mời đơn vị dịch vụ vào kiểm tra rồi trình biên bản báo cáo lên cơ quan cấp trên. Sau khi được cơ quan quản lý ngân sách phê duyệt, công ty sẽ ứng tiền sửa trước, thanh quyết toán sau. Cách làm này gây phiền hà cho người dân, nhưng công ty không thể làm trái quy định. Ngân sách dành cho duy tu, bảo dưỡng tòa nhà tuy có được thành phố rót xuống nhưng rất chậm, không đủ để thực hiện nhiệm vụ.
Gạch lát hè bong tróc từng mảng lớn tại khu tái định cư Nam Trung Yên. Ảnh: Ngọc Thắng
Vậy khoản thu 2% trên giá trị căn hộ mà người dân đã nộp đang ở đâu, sử dụng như thế nào? Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, khoản thu này nộp vào ngân sách thành phố chứ không tách riêng ra thành một "gói". Theo quy định, khoản này chỉ dành cho việc bảo trì công trình và khi sử dụng phải có kế hoạch cụ thể. Đại diện Sở Tài chính thừa nhận, khoản 2% khi nộp về ngân sách gộp luôn với tiền bán nhà nên cũng không rõ là bao nhiêu tiền. Để quản lý và sử dụng hợp lý khoản tiền này, UBND thành phố cần chỉ đạo rà soát lại từng tòa nhà để tính ra khoản tiền 2%. Đồng thời chỉ đạo Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khẩn trương thành lập các ban quản trị trên cơ sở đại diện các hộ dân và được chính quyền địa phương công nhận. Các ban quản trị sẽ cùng đơn vị quản lý nhà quản lý, sử dụng khoản tiền này và trực tiếp thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình.
"Cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí cho việc bảo trì, bảo dưỡng như vậy là rất thiếu khoa học, không thể hiện rõ trách nhiệm trước người dân!" - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh. Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, cơ chế hổng như vậy chính là lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước và cần sớm chỉnh sửa. Trước mắt, để bảo đảm quyền lợi người dân, khi xảy ra các sự cố về thang máy, điện, nước… thành phố yêu cầu Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải sửa chữa, khắc phục kịp thời 24/24h. Với khoản thu 2%, khẩn trương rà soát từng tòa nhà và tách ra thành nguồn riêng và chỉ phục vụ duy nhất mục đích bảo trì, bảo dưỡng công trình, thành phố cũng yêu cầu thành lập ngay ban quản trị tại các nhà chung cư, bởi đây chính là quyền lợi hợp pháp của người dân.
Toàn thành phố hiện có 11 khu TĐC với tổng số 149 tòa nhà. Hiện mới chỉ có khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính là đã thí điểm thành lập ban quản trị nhưng hàng chục tòa nhà ở đây cũng chỉ có một ban quản trị làm đại diện. Mô hình thí điểm này đến nay cũng chưa tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng. |