Muôn nẻo cạm bẫy rình rập
Anh Nguyễn Đức Ninh, thành phố Hạ Long khi có nhu cầu mua nhà đã lên mạng tìm kiếm thông tin. Lúc anh gọi điện hỏi về mảnh đất anh ưng ý, bên bán vẫn khẳng định là đất còn. Tuy nhiên, khi anh xuống tới nơi thì họ lại bảo, miếng đất vừa được bán mất rồi. Nhưng còn rất nhiều ví trí khác đắc địa và đẹp hơn nhiều.
Linh tính có điều gì khuất tất, anh Ninh dùng kế “hoãn binh” và tìm hiểu thì mới ngớ ra rằng, đây là chiêu trò được nhiều “cò đất” dùng để dụ khách hàng. Họ thường chọn những căn góc có vị trí đẹp, đăng tin bán với giá rẻ để "mồi" khách mua. Khi thấy khách “cắn câu”, họ sẽ bảo căn hộ đó chủ nhà đi vắng hoặc có người mua rồi và lái sang căn khác có vị trí, diện tích gần tương đồng. Nhiều khách cả tin, không nghi ngờ gì.
Tràn ngập những thông tin rao bán không rõ thực hư (Ảnh: Internet)
"Làm như vậy giúp họ có cơ hội tiếp cận khách để tư vấn về những căn hộ khác trong dự án. Đồng thời, tạo tâm lý người mua thấy căn nhà mới rao bán có vài ngày đã giao dịch xong sẽ thấy dự án đang sốt, nếu không mua nhanh sẽ hết nên sẽ quyết định xuống tiền nhanh hơn", anh Ninh cho hay.
Được biết, tình trạng rao khống thông tin như trên không chỉ xảy ra đối với dự án chung cư có quy mô nhỏ mà ngay cả các dự án bất động sản lớn cũng bị các sàn giao dịch, văn phòng môi giới chào bán tràn lan.
Hàng loạt các thông tin rao bán khi dự án còn đang quá trình lập dự án, nhái logo hình ảnh từ các thương hiệu uy tín, thậm chí lập hồ sơ khống để nhận tiền đặt cọc, chiếm đoạt tài sản của khách hàng… Trong khi chủ đầu tư chưa có chủ trương bán hàng do dự án chưa đầy đủ tính pháp lý nhưng tại các sàn giao dịch các lô đất thuộc dự án được chào bán công khai.
Có thể thấy điều đó qua việc hàng loạt các dự án bất động sản lớn, nhỏ tại các khu vực Lê Văn Lương, Mê Linh, Hoài Đức,… mặc dù chủ đầu tư vẫn đang triển khai các bước lập dự án, thì tại một số sàn giao dịch bất động sản quanh khu vực đã ngang nhiên rao bán.
Khi vụ việc bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, các sàn bất động sản chào bán dự án trên buộc phải thừa nhận hành vi rao bán khống dự án nhằm gom khách hàng.
Công nghệ – con đường ngắn nhất
Làm thế nào để người bán và người mua gặp được nhau? Câu hỏi đó nghe có vẻ buồn cười trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Nhưng quả thực, đó là bài toán khá hóc búa đối với không ít doanh nghiệp. Chính sự bùng nổ thông tin đã là con dao hai lưỡi, khi mà nó bị kẻ xấu dùng để trục lợi, lừa đảo người tiêu dùng.
Trò chuyện về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội ví von tựa như câu chuyện bán xôi. Nấu xôi và bán xôi là hai câu chuyện khác nhau. Và giải pháp liên quan tới việc ứng dụng công nghệ.
Theo ông Cường, hiện nay trên thế giới đã sử dụng rất nhiều kỹ thuật mới cùng các phần mềm, từ quản lý dự án, quản lý xây dựng, đến thiết kế về quy hoạch đều là bằng các phần mềm, vừa khoa học, vừa là nhanh và hiệu quả.
Trong một tương lai rất gần, bất kể một khách hàng nào chỉ cần truy cập vào các trang web BĐS uy tín, sẽ thấy được các bảng giá niêm yết công khai về tiện ích, cơ cấu căn hộ, thông số kỹ thuật… Cần gì là sẽ được đáp ứng đầy đủ. Người tiêu dùng có thể so sánh, đánh giá chất lượng của các sản phẩm, các nhà đầu tư nhờ vào sự xếp hạng minh bạch từ chính các khách hàng.
Khách hàng có thể trực tiếp lựa chọn sản phẩm BĐS ưng ý, check tình trạng thực của căn hộ
Đây chính là màng lọc để hệ thống phân phối sản phẩm sẽ lọc được những sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng, tránh những chiêu trò, lừa đảo như hiện nay.
Còn trong thời điểm hiện tại, đối với khách hàng, ông Lê Xuân Nga – TGĐ CenHomes.vn có lời khuyên, cần lưu ý lựa chọn sản phẩm của những công ty bất động sản uy tín, tài chính vững mạnh, có thương hiệu… để tránh những rủi ro không đáng có có thể xảy ra.
“Nhà đầu tư khi quyết định xuống tiền phải tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư, các hồ sơ pháp lý thực hiện dự án, cần xem xét thực tế tại công trình có đang thi công hay không và thi công đến đâu, năng lực chủ đầu tư như thế nào?”, ông Nga nói.