16/17 huyện không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Kết luận thanh tra nêu rõ, giai đoạn 2001 – 2010 có 16/17 huyện và 166/222 xã không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt TP Pleiku là trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh, phải quản lý chặt chẽ, nhưng UBND TP lại không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phát triển không gian, kiến trúc đô thị không đúng, chắp vá, thiếu đồng bộ, không phù hợp với quy chuẩn TP đô thị loại II, thu hồi đất thiếu căn cứ, gây lãng phí.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm này thuộc về Thường trực UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các huyện, TP, thị xã trong tỉnh.
Bên cạnh đó, việc giao đất tại TP Pleiku, thị xã An Khê và huyện Chư Păh chưa tuân thủ các quy định như giao đất không đúng quy hoạch, không tổ chức đấu giá đất, giao đất theo khung giá cho các đối tượng không đủ tiêu chuẩn, vi phạm các quy định nhà nước về quản lý đất đai, gây thất thu NSNN.
Từ năm 2004 – 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã giao đất cho một số đơn vị để thực hiện các dự án khu phố mới Hoa Lư – Phù Đồng, dự án khu đô thị Cầu Sắt và tiền đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Hội Phú, dự án khu dân cư Phượng Hoàng I… Về việc này, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc UBND tỉnh Gia Lai đã không tổ chức đấu giá mà giao đất có thu tiền sử dụng đất là vi phạm quy định Luật đất đai và nghị định 181 của Chính phủ.
Quá trình xác định giá đất của dự án khu phố mới Hoa Lư – Phù Đổng giai đoạn 1 do Công ty FBS làm chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trình tự theo quy định của Bộ Tài Chính. Về khu đô thị Cầu Sắt và TTTM Hội Phú chưa quyết toán, đối trừ tiền GPMB…
Giao gần 5.000 ha đất trồng cao su ngoài quy hoạch
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, UBND tỉnh ra thông báo triển khai trồng cao su không căn cứ vào quy hoạch, giao đất gần 5.000 ha ngoài quy hoạch cho 29/52 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su trong 2 năm 2010 – 2011 là vi phạm Luật đất đai. Việc UBND tỉnh đặt ra cơ chế thu hồi đất để tạm giao cho các nhà đầu tư, sau khi nhà đầu tư tận thu lâm sản và trông cao su mới ra quyết định cho thuế đất chính thức cũng trái quy định, phần diện tích chênh lệch không có người quản lý.
Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra kết luận, địa phương có sự buông lỏng quản lý đất đai, để công ty cao su Chư Sê thỏa thuận đền bù đất sản xuất để lấy đất trồng cao su trái với nội dung thông tư 79 của Bộ NN, dẫn đến đồng bào dân tộc không có đất sản xuất.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong khi đang thực hiện quy hoạch 58, quy hoạch sử dụng đất không thay đổi thì tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2010 – 2015 thêm 88 điểm mỏ, rồi cấp giấy phép khai thác quặng sắt, đá xây dựng, than bùn…với diện tích 14 ha là vi phạm Luật đất đai.
Tương tự về quy hoạch thủy điện, UBND tỉnh Gia Lai chưa chỉ đạo công bố quy hoạch theo trình tự thủ tục, quá trình cấp GCN đầu tư, thẩm định dự án chưa đúng quy hoạch được duyệt với 16/28 dự án, đến nay còn 33 dự án thủy điện thi công chậm tiến độ…
Ngoài ra qua thanh tra 17 dự án, vẫn còn những sai phạm như ban hành văn bản còn chậm so với hiệu lực văn bản cấp trên, điều chỉnh 2/7 dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư 5/17 dự án không đúng quy định, nhiều vi phạm trong thực hiện đấu thầu…
Kiến nghị loại 17 dự án thủy điện khỏi quy hoạch
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng; Thu hồi và giảm trừ quyết toán gần 2 tỷ đồng trong các dự án đầu tư xây dựng, rà soát xử lý số tiền hơn 58 tỷ đồng của dự án khu phố mới Hoa Lư – Phù Đồng; Thu hồi 14 dự án thủy điện do chậm tiến độ, loại ra khỏi quy hoạch 17 dự án…
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng.