Trước thềm năm mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra một con số nợ xấu rất khả quan: tính đến cuối 2013, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 3,79%, giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2012.
Sau khi liên tục gia tăng từ khoảng 3%, cuối năm 2010, lên trên 4% năm 2012 và đến gần 5% trong suốt năm 2013, lần đầu tiên tỷ lệ nợ xấu mới cho một xu hướng thực sự giảm mạnh, cũng là lần đầu tiên sau khoảng 2 năm mới giảm được về dưới 4%.
Nhìn từ ngoài hẳn là hình mẫu
Nếu từ bên ngoài nhìn vào, Việt Nam hẳn trở thành một hình mẫu ấn tượng trong xử lý nợ xấu, giảm rất mạnh chỉ trong vài tháng. Mức 3,79% được hiểu là từ tổng hợp báo cáo của các TCTD.
Còn theo các tiêu chí đánh giá khác nhau, nợ xấu sẽ ở các cấp độ khác nhau. Như theo kênh giám sát từ xa của NHNN, con số có thể gấp đôi. Còn theo con mắt của một số tổ chức quốc tế, đặc biệt là các hãng định mức tín nhiệm, nó có thể vẫn ở mức 2 con số.
Số liệu thống kê cho thấy 8 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,52%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm 2012.
Tại phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình, cho biết nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm đó là 4,64%.
Con số nợ xấu được đưa ra, sau khi Bộ GTVT vui mừng thông báo Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi vay được 13.152 tỷ đồng sau khi "thoát xác" mang danh Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).
Từ một doanh nghiệp (DN) thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành DN hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…
Vấn đề quan trọng vẫn là khối nợ xấu đó sẽ được xử lý ra sao
Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng, cho biết khoản nợ các TCTD trong nước của Vinashin đã được các TCTD giảm 13.152 tỷ đồng. Khoản nợ các TCTD nước ngoài 13.163 tỷ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore. Khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỷ đồng.
"Sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của tập đoàn này cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản nợ sẽ được tập đoàn thực hiện mua lại nợ. Số nợ còn lại cơ bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến năm 2023 và 2025. Theo tính toán, tổng các nguồn thu cơ bản đáp ứng được kế hoạch trả nợ của tập đoàn", Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Trước đó không lâu, con số nợ đọng xây dựng cơ bản cũng được báo cáo giảm mạnh. Báo cáo do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Bùi Quang Vinh, cho biết nợ đọng xây dựng cơ bản từ 2 nguồn vốn trên chỉ còn 43.358 tỷ đồng, đến giữa năm 2013. Trong số đó, nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là 32.873 tỷ đồng, của 14.674 dự án và từ TPCP là 10.485 tỷ đồng, của 964 dự án.
Như vậy, nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm tới hơn một nửa của con số khoảng 91.000 tỷ đồng, đến cuối năm 2012, mà Bộ KH&ĐT khẳng định trước đây.
Nợ… một câu hỏi
Nói về nợ xấu, ngành Ngân hàng vẫn còn nợ 1 câu hỏi: Tại sao nợ xấu của ngân hàng báo cáo khác thống kê của NHNN? Mặc dù đã phần nào được xử lý và được các ngân hàng ra sức kiểm soát, song nợ xấu từ khoản vay cũ vẫn không ngừng phát sinh, trong khi việc bán nợ cho VAMC trước mắt chỉ làm sạch được bảng cân đối tài sản, còn vấn đề xử lý các khoản nợ này như thế nào và liệu có triệt tận gốc hay không đang là câu hỏi đặt ra với các nhà băng. Vì thế, nợ xấu vẫn là vấn đề được cổ đông ngân hàng quan tâm trước mùa ĐHCĐ tới.
Chẳng hạn, với Southern Bank, nợ xấu thời điểm cuối năm 2012 đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2011 (ở mức 1.317 tỷ đồng, chiếm 2,9% trên tổng dư nợ). Để xử lý nợ xấu và làm sạch sổ sách, Southern Bank quyết định bán 150 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Tuy nhiên, đến cuối quý III/2013, nợ xấu của ngân hàng này vẫn tăng đáng kể, lên mức 1.651 tỷ đồng, chiếm 3,79% tổng dư nợ. Đáng lưu ý, trong 3 nhóm nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn đã tăng thêm hơn 200 tỷ đồng, ở mức 999 tỷ đồng. Trong khi tín dụng lại giảm 0,2% trong 9 tháng đầu năm, khiến lợi nhuận của ngân hàng này chỉ đạt 269 tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch cả năm là 560 tỷ đồng.
MaritimeBank, Techcombank, GPBank… cũng đã bán nợ xấu cho VAMC lần lượt 500 tỷ đồng, 498 tỷ đồng và 93 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2013, con số nợ xấu các ngân hàng đã bán cho VMAC đạt trên 36.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc bán nợ xấu cho VAMC, theo đánh giá từ các chuyên gia trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trước mắt chỉ có thể đưa ra được ngoại bảng, làm sạch sổ sách kế toán. Ngân hàng có thể làm đẹp sổ sách để báo cáo cổ đông trong mùa đại hội sắp diễn ra, nhưng vấn đề quan trọng hơn, vẫn là khối nợ xấu đó sẽ được xử lý ra sao?
Nói về số liệu của Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có lần chia sẻ: "Những con số đó cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin". Còn ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, cũng từng nói: "Số liệu thống kê hiện nay ở Việt Nam luôn có 2 số, 1 số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và 1 số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiều vấn đề".