Năm 2013, tối thiểu 5 dự án có tính thương mại cao, quy mô và lĩnh vực phù hợp sẽ được lựa chọn thực hiện đầu tư thí điểm PPP
Thế mạnh PPP
Trong lộ trình 2 năm (2010 - 2012) thực hiện thí điểm phương thức đầu tư mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế quản lý và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP. Nhà đầu tư thứ nhất của Dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco đóng góp 60% vốn. Nhà đầu tư thứ hai được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo quy định tại cơ chế này và phù hợp với hướng dẫn của nhà tài trợ. Nhà đầu tư thứ hai sẽ cùng với nhà đầu tư thứ nhất thành lập DN để triển khai Dự án. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm vốn do khu vực tư nhân huy động và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ.
Tại dự án này, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho nhà đầu tư thứ nhất vay vốn từ nguồn tín dụng IBRD của Ngân hàng Thế giới để thực hiện và đây là một trong các chính sách ưu đãi đầu tư đối với Dự án. Đây là dự án đầu tiên được lựa chọn thí điểm đầu tư theo hình thức PPP hiện đại và theo các chuyên gia, sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình "xã hội hóa" nguồn vốn đầu tư hạ tầng, theo hình thức mới và rất hứa hẹn này.
Để phát huy những ưu điểm của một loại hình đầu tư mới, trong bối cảnh cận kề Tết Quý Tỵ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa thông qua kế hoạch năm 2013 của Ban chỉ đạo về PPP với mục tiêu tạo bước đột phá, đẩy mạnh thí điểm mô hình đầu tư mới. Cụ thể, trong năm nay, Ban chỉ đạo sẽ xem xét, lựa chọn tối thiểu 5 dự án để thực hiện đầu tư thí điểm PPP, tập trung vào những dự án có tính thương mại cao, quy mô và lĩnh vực phù hợp.
Để tạo cơ chế pháp lý cho các dự án, Ban chỉ đạo sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP; ra các hướng dẫn về lựa chọn dự án PPP, sử dụng Quỹ hỗ trợ chuẩn bị dự án, giải ngân, cơ chế quản lý phần vốn tham gia của Nhà nước, cơ chế đặc thù hỗ trợ dự án… Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý các thành viên Ban chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực về PPP cho cán bộ, công chức tại các cơ quan Trung ương và địa phương, rà soát các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế cho việc phát triển mô hình đầu tư mới nhưng rất cần thiết này.
Theo tính toán của các chuyên gia, để thực hiện chương trình thí điểm này trong giai đoạn 2013 - 2015, cần một nguồn vốn ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng tập trung ở Trung ương để sẵn sàng cho các dự án PPP được lựa chọn.
10 năm: có thể huy động 70 - 80 tỷ USD
Trước đó, vào tháng 11/2012, Ban chỉ đạo về đầu tư PPP được thành lập theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình PPP.
Sau hình thức đầu tư BOT, BTO, BT… (được coi là mô hình PPP truyền thống), đầu tư PPP theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hình thức đầu tư PPP hiện đại, với việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án.
Qua 2 năm thí điểm, các đối tác đã bày tỏ sự ủng hộ, quan tâm đến khả năng triển khai PPP tại Việt Nam và nhận định, nếu việc triển khai đảm bảo theo thông lệ quốc tế như đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, thì các đối tác phát triển và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Trong trường hợp đó, khả năng huy động 70 - 80 tỷ USD trong vòng 10 năm tới là có thể thực hiện được.
Thực tế, ngay từ khi bắt đầu thí điểm đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam, chủ trương được đưa ra là, Nhà nước sẽ xây dựng và chuẩn bị dự án, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã nhiều lần khẳng định, điều quan trọng là phải tạo được thị trường cho PPP, xây dựng được các dự án thí điểm có tính thương mại cao để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, lâu nay, các dự án thí điểm theo hình thức PPP hầu hết do phía nhà đầu tư đề xuất. Nếu do các địa phương xây dựng, thì do không có kinh phí ban đầu và cũng một phần do trình độ, nên không đủ sức hấp dẫn.
Theo ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương, vấn đề chung mà các dự án gặp phải là chưa tạo được nền tảng pháp lý đủ mạnh và hấp dẫn, thu hút được khối đầu tư ngoài Nhà nước, một số tiêu chí lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư, phân chia rủi ro, quản lý và sử dụng phần tham gia của Nhà nước cần được làm rõ và phù hợp thực tế hơn…