18/03/2025 8:57 PM
Hiện có 484/696 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với gần 50 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy báo cáo trong Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, diễn ra sáng 18/3.

Có thể bạn chưa biết: Hàng chục triệu thửa đất đã được đưa vào quản lý qua cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay về thể chế, quy định, hệ thống thông tin cũng như cấu trúc cơ sở dữ liệu quốc giá về đất đai đã được quy định đầy đủ tại Luật Đất đai và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Về mô hình và phần mềm ứng dụng hiện đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 32 địa phương đã triển khai thống nhất cấu trúc dữ liệu liên thông với cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tập trung vào 3 phân hệ: Xây dựng dữ liệu không gian và thuộc tính; ứng dụng quản trị vận hành cơ sở dữ liệu; khai thác dữ liệu. 31 tỉnh còn lại cũng đã vận hành tuy nhiên chưa thống nhất đồng bộ.

Về kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hiện nay, 484/696 đơn vị cấp huyện (sát nhập một số đơn vị cấp huyện năm 2024) đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với gần 50 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.

Về kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với dữ liệu đất đai của 462/705 đơn vị cấp huyện.

Đã có 19/63 tỉnh, thành phố sử dụng dữ liệu đất đai giải quyết thủ tục hành chính về cư trú của Bộ Công an trên Dịch vụ công trực tuyến. 49/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Theo ông Duy, hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu.

Đẩy nhanh đo đạc, đăng ký xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 212 huyện

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đối với 484 huyện đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai đồng bộ dữ liệu về Bộ phục vụ làm sạch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào sử dụng sử dụng ngay, liên thông giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan công chứng - văn phòng đăng ký đất đai - thuế, cắt giảm giấy tờ và thực hiện nộp thuế, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Ngoài ra, bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc đo đạc, đăng ký xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 212 huyện còn lại, hoàn thành đến đâu đưa vào sử dụng ngay đến đó; thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cho kỳ kiểm kê 2024; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho 280 huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất cho 405 huyện...

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện xây dựng, hoàn thiện, làm sạch cơ sở dữ liệu về đất đai hiện có và tiếp tục để đo đạc, đăng ký; tiếp tục hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai còn lại trên địa bàn; sử dụng trong công tác quản lý, chuyên môn hàng ngày và liên thông giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; tích hợp đồng bộ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Cùng với đó, các địa phương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai đồng bộ thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần hoàn thiện và làm sạch dữ liệu đất đai hiện có đồng thời đẩy nhanh tiến độ đo đạc và đăng ký cơ sở dữ liệu đất đai còn lại; đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương gặp khó khăn, đặc biệt là các huyện nghèo và miền núi, để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ này.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.