Đứng trước những cơ hội vàng, phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) lại quá … “chậm chạp” so với tốc độ tăng trưởng nóng của du lịch.

Từ hiệu ứng sau sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, du lịch Việt Nam đã trở thành từ khóa nóng được truyền thông quốc tế nhắc đến với tần suất dày đặc. Theo Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2019 đạt hơn 1,58 triệu lượt, tăng gần 6% so với tháng 1/2019.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn ở khu vực xung quanh.

Đường nào cũng quá tải

Hai năm trở lại đây, CSHT du lịch của cả nước nói chung đều phát triển với sự xuất hiện của nhiều công trình tầm cỡ để phục vụ du khách như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch Hạ Long…

Nhưng so với nhu cầu thực tế, cứ mỗi khi đến mùa du lịch thì những hình ảnh quen thuộc lại tái diễn: hàng không quá tải, đường bộ đông nghẹt, đường thủy kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng.

Theo đánh giá chung, du khách nước ngoài tới Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, sau đó là cảng biển; còn du khách nội địa đi du lịch theo mùa vụ, đặc biệt về mùa hè hoặc đợt nghỉ lễ. Những thời điểm này, du khách phải đặt vé trước cả tháng, nhiều hãng hàng không cho biết họ không thể tăng được chuyến nữa.

Sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng hay Nha Trang… đều quá tải. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tại Quảng Ninh mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2018 cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế khách tăng cao.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours cho rằng: “Hệ thống hạ tầng hiện nay chúng ta chưa quy hoạch được sân bay trọng điểm. Nhiều tỉnh, thành phố có đường bay, sân bay nhưng những điểm du lịch cần có thì lại chưa có đường bay. Chúng ta cũng chưa quảng bá xúc tiến hệ thống sân bay ra nước ngoài, giới thiệu các cụm sân bay cái nào là chính trong đó để xúc tiến tại các thị trường nước ngoài”.

Về đường bộ, hiện nay vẫn chưa có bổ sung quy hoạch đầu tư giao thông đến những điểm du lịch. Ví dụ, ở nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam… đường sá từ trung tâm cung cấp khách đến các điểm du lịch phần lớn đều chưa được đầu tư lớn, chưa kể có dự án còn “đắp chiếu” vài ba năm chưa xong, chẳng hạn như con đường từ TP Đà Nẵng tới núi Thần Tài.

Còn từ Hà Nội đi các điểm Đông - Tây Bắc, như đến hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, lên Hà Giang…, nhiều du khách, tài xế thường xuyên phản ánh là “đường xấu”, “đi xe xóc mạnh”, “có nhiều đoạn đường rất bé chỉ đủ để 2 xe tránh nhau trong quãng đường đi rất dài”, “thường xuyên tắc nghẽn vào dịp lễ”.

Còn về đường biển, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long đi vào hoạt động cuối tháng 12/2018, là trường hợp hiếm hoi một cảng biển lớn chuyên dụng cho khách du lịch. Trước đó, ta vẫn chủ yếu cho tàu khách du lịch vào chung cảng hàng hóa, gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài vì không phân luồng riêng cho khách du lịch.

Một nguyên nhân được nhiều người làm cảng nhắc đến là bởi nguồn thu từ tàu du lịch không cao; chúng ta cũng chưa có nhiều tàu biển cao cấp, với số lượng khách lớn cập bến cảng Việt Nam. Ngoài ra, các cơ sở lưu trú, ăn uống, đi lại, mua bán cho du khách khi cập bến cũng phải phát triển đồng bộ, cần đầu tư lớn, tiềm ẩn rủi ro cao.

Đây còn là vấn đề vĩ mô cần sự chỉ đạo chính sách, phối hợp thực hiện từ cấp trung ương tới cơ sở, không phải vấn đề một vài doanh nghiệp có thể triển khai được. Vì lẽ đó, đối với nhà đầu tư, người làm kinh doanh cảng, bài toán kinh tế rõ ràng hơn nhiều với đối tượng tàu chở hàng hơn tàu chở biển, nên cảng biển chuyên dụng cho khách du lịch còn khan hiếm, có lẽ là một điều thiệt thòi lớn cho du lịch Việt Nam.

Thiếu thốn hệ thống lưu trú đạt tiêu chuẩn

Ngoài ra, số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú (CSLT) đạt chuẩn có mức độ tăng trưởng chậm chưa tương xứng với tăng trưởng lượng khách, chất lượng không đồng bộ. Tại những điểm du lịch nổi bật như Hạ Long, Quảng Ninh, theo số liệu thống kê, trên địa bàn có khoảng hơn 1.230 cơ sở, với khoảng gần 20.000 phòng, bao gồm cả CSLT du lịch trên bờ và tàu thủy lưu trú du lịch.

Số lượng CSLT du lịch Quảng Ninh liên tục tăng, một con số mà có lẽ nhiều trung tâm du lịch ở Việt Nam phải ao ước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù số lượng CSLT nhiều nhưng số lượng khách sạn từ 3 - 5 sao chỉ chiếm thiểu số, với khoảng hơn 50 cơ sở. Trong khi đó, trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 10 triệu lượt du khách, theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Một “nút thắt” khác là hệ thống dừng nghỉ đỗ trên đường tới các điểm du lịch ở Việt Nam tương đối do dân tự phát. Một tâm lý là khi một nhà làm nhà hàng, bán bánh kẹo, những người dân khác cũng bắt chước, học theo để kiếm lợi trước mắt chú không suy nghĩ xa hơn về tổng thể một bức tranh du lịch của khu vực; biểu hiện ở chỗ dịch vụ, mặt hàng lặp lại, chồng chéo, không đa dạng...

Hay như thị trường nhà hàng Việt Nam vẫn chưa phục vụ được đa dạng khách du lịch, chưa có định hướng rõ ràng về thị hiếu của từng đối tượng du khách khác nhau, nên vẫn chọn giải pháp an toàn là chủ yếu phục vụ đồ Việt Nam và đồ ăn nhanh Tây. Vì thế, chúng ta đang bỏ lỡ một số thị trường lớn ngay bên cạnh như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…

Trong tương lai, lượng khách dự kiến còn tăng nữa. Tuy nhiên khi du lịch phát triển “nóng” thì lộ ra nhiều bất cập; nhưng nếu không giải quyết được vấn đề CSHT thì sẽ là một trở ngại lớn cho tăng trưởng du lịch.

Đỗ Trang – Ngọc Diệp (Pháp luật +)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.