Tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý và sử dụng khoảng 1.512,8 triệu m2 với tổng giá trị trên 597 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,50% tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước là con số tại báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội.

Chính phủ nhìn nhận, tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn chậm, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Phân tích chi tiết, khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 269,61 triệu m2, chiếm 17,82%. Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 1.229,37 triệu m2, chiếm 81,26%. Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 13,83 triệu m2, chiếm 0,92%.

Chính phủ xác định, đất đai giữ vai trò quan trọng nhất trong các loại tài sản nhà nước, còn nhà là loại tài sản giữ vị trí quan trọng và chiếm vị trí thứ hai trong tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước. Khác với đất đai, tài sản là nhà chủ yếu được ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, mua sắm qua các thời kỳ.

Theo báo cáo, tổng quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng trên 110,83 triệu m2 với tổng nguyên giá theo sổ kế toán trên 150 nghìn tỷ đồng chiếm 18,97% tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước, tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán 90 nghìn tỷ đồng (bằng 60% tổng nguyên giá).

Báo cáo chú thích rằng, giá trị quyền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, giá đất thực tế trên thị trường thường cao hơn khá nhiều.

Ở phần tổng quan tình hình quản lý sử dụng tài sản nhà nước, bản báo cáo đã cho biết một số thông tin về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại nhà, đất trên địa bàn Tp.HCM, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai áp dụng trên phạm vi cả nước.

Theo chính sách này, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc: cơ quan, đơn vị được chủ động sắp xếp lại nhà, đất được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; số nhà, đất dôi dư được phép bán, chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng; nếu bố trí, sử dụng sai mục đích mà không thực hiện sắp xếp lại thì thu hồi.

Đến nay Tp.HCM cơ bản hoàn thành việc sắp xếp với trên 12 nghìn cơ sở được sắp xếp lại. Trong đó bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 1.589 cơ sở, chuyển mục đích 237 cơ sở, do sử dụng không có hiệu quả thu hồi 380 cơ sở.

Tổng số tiền thu được trên 22 nghìn tỷ đồng chủ yếu được đầu tư trở lại cho các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn chậm, chủ yếu mới tập trung thực hiện tại Hà Nội và Tp.HCM song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc sắp xếp lại trụ sở của cơ quan Trung ương tại Hà Nội, các trường học, bệnh viện, cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn chưa được thực hiện tập trung, quyết liệt theo quy hoạch được duyệt. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất rất phức tạp, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan còn lỏng lẻo.

Phần giải pháp thực hiện có hiệu quả luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ đã xác định việc đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn quỹ nhà, đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.