02/11/2020 6:00 AM
Một số địa phương giao diện tích lớn để xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo, gây quan ngại trong dư luận xã hội về sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên đất.

Ảnh minh họa/VOV

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) gửi kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) đến các đại biểu Quốc hội.

Nội dung trọng tâm của giám sát là việc quản lý nhà nước (QLNN) về TNTG; việc thực hiện một số quy định về tài sản, tài chính cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo gắn với phát triển du lịch.

Kết quả giám sát cho thấy, quy hoạch đất TNTG có xu hướng tăng.

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2020, tổng diện tích đất TNTG các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 14.714 ha năm 2010, dự kiến đến năm 2020 sẽ là 15.708 ha (tăng gần 1 nghìn ha, tăng 6.8%).

Diện tích đất TNTG giao cho các đối tượng sử dụng trong những năm gần đây tăng. Theo số liệu thống kê năm 2019, diện tích đất tôn giáo đã giao là 12.084,73 ha (tăng 368,31 ha so với năm 2015); diện tích đất tín ngưỡng đã giao là 6.641 ha (tăng 16 ha so với 2015). So với năm 2003, đất cơ sở Phật giáo tăng 3,6 lần, Cao Đài tăng 3 lần và Công giáo tăng 2,4 lần.

Cơ quan giám sát đã nêu một số điểm khiến dư luận quan tâm trong lĩnh vực này, đó là có một số địa phương giao diện tích đất lớn để xây dựng công trình TNTG. Điển hình như Chùa Tam Chúc, Hà Nam là 1.205 ha (số liệu của Bộ Tài nguyên và môi trường); Dự án Khu núi chùa Bái Đính, Ninh Bình có tổng diện tích là 539,2 ha (báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình), nhưng theo số liệu của Bộ Tài nguyên và môi trường là 1.005,3 ha.

“Điều này gây quan ngại trong dư luận xã hội về vấn đề sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên đất. Nguyên nhân một phần do Luật Đất đai, quy định UBND cấp tỉnh quyết định giao đất đối với cơ sở tôn giáo nhưng chưa quy định về giới hạn diện tích khi giao đất xây dựng công trình TNTG”, cơ quan giám sát nhận định.

Vấn đề khác cũng khiến dư luận quan tâm là có tình trạng trong cùng dự án du lịch, dịch vụ, việc xác định ranh giới giữa các loại đất TNTG, dịch vụ, thương mại chưa được phân định rõ ràng theo quy định của pháp luật. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất) và tạo dư luận xã hội về tính đúng đắn của quy hoạch các khu du lịch có liên quan đến cơ sở TNTG (Theo quy định của pháp luật về đất đai, các công trình TNTG được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; đối với các công trình du lịch, dịch vụ, thương mại thì được Nhà nước cho thuê đất).

Kết quả giám sát còn cho thấy, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ sở TNTG ở một số nơi vẫn còn chậm. Có địa phương đến nay mới chỉ đạt 26,6% đất cơ sở tôn giáo và 31,4% đất cơ sở tín ngưỡng.

Nguyên nhân của việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu là do vi phạm các quy định về đất đai: các công trình TNTG xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sử dụng đất sai mục đích quy hoạch; tự ý mở rộng diện tích đất mà không kê khai…

Đây là vấn đề cần được các địa phương quan tâm giải quyết trong thời gian tới, Ủy ban lưu ý.

Từ bất cập trên, cơ quan giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; nghiên cứu, quy định cụ thể về quy hoạch đất TNTG trên toàn quốc và từng địa phương; đẩy mạnh việc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành chức năng ở trung ương và địa phương, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận về đất đai có liên quan đến tôn giáo.

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai, trong đó, quy định hạn điền với đất TNTG, quy định cụ thể loại đất, phân biệt rõ đất du lịch, thương mại với đất TNTG.

  • Không có quy định về khái niệm công trình tâm linh

    Không có quy định về khái niệm công trình tâm linh

    (Xây dựng) - Trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng đã nêu rõ, pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm công trình tâm linh mà mới chỉ có quy định về công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Vân Chi (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.