09/03/2014 10:45 AM
7 trong 10 mã có thanh khoản cao nhất sàn chứng khoán 2 tháng đầu năm đều thuộc nhóm xây dựng - địa ốc.

Thị trường chứng khoán kết thúc 2 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu khởi sắc khi Vn-Index tăng 16%, đạt 586,48 điểm - mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. HNX-Index cũng tích lũy thêm 24%, đạt 83,12 điểm.

Tổng cộng hơn 6,3 tỷ cổ phiếu đã khớp lệnh thành công tại hai sàn trong hai tháng đầu năm, tương đương trên 25% tổng khối lượng cả năm 2013. Về trị giá giao dịch, toàn bộ số cổ phiếu này đạt 84.522 tỷ đồng, xấp xỉ gần 30% tổng mức cả năm ngoái tại hai sàn. Theo khảo sát của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong số 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất hai sàn, tới 7 mã thuộc lĩnh vực xây dựng - địa ốc. Những cổ phiếu còn lại chủ yếu thuộc nhóm tài chính, gồm SHB, KLS và SSI.

70% danh sách những cổ phiếu thanh khoản cao nhất đầu năm 2014 thuộc về các mã nhóm xây dựng - địa ốc. Ảnh: H.H

1. PVX - 347 triệu cổ phiếu

PVX (Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam) là một trong những mã luôn được giới đầu tư quan tâm. Tổng giá trị khớp lệnh sau 2 tháng đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch PVX luôn duy trì mức cao, trung bình gần 10 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Hồi tháng 1, PVX vừa trải qua một đợt điều chỉnh giảm, từ 3.300 đồng xuống còn 2.600 đồng. Tại mức giá này, dòng tiền đầu cơ đã bắt đáy và đẩy giá đi lên. Ngày 7/2, mã này cũng chuyển từ diện kiểm soát sang cảnh cáo, nhờ điều chỉnh lợi nhuận trong báo cáo kiểm toán năm 2011.

Đồng thời, việc điều chỉnh kết quả kinh doanh, chuyển từ lỗ sang lãi cũng giúp PVX không phải hủy niêm yết, giá cổ phiếu cũng tăng lên 4.600 đồng (77%) sau 19 phiên giao dịch.

2. ITA - 303 triệu cổ phiếu

Chỉ tính riêng tháng 2, trên 170 triệu cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo khớp lệnh thành công, tương đương 4% trên tổng khối lượng giao dịch toàn sàn TP HCM. Tính chung hai tháng đầu năm, ITA chuyển nhượng 303 triệu cổ phiếu, đứng thứ hai về thanh khoản trong đợt sóng địa ốc thời gian qua. Tại ngày 28/2, thị giá mã này tăng 32%, lên 8.300 đồng một cổ phiếu.

Sau một năm bị loại vào diện cảnh báo, cổ phiếu ITA vừa trở lại VN30 đầu năm 2014. Kết quả trên giúp tạo tâm lý hưng phấn cho các nhà đầu tư khiến mã này liên tục bứt phá về khối lượng giao dịch và giá cả.

3. SHB - 238 triệu cổ phiếu

Sau gần nửa năm dao động quanh ngưỡng 6.700 đồng, sóng cổ phiếu SHB (Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội) được hình thành vào đầu tháng một và giữ vững đà tăng trong suốt 2 tháng sau đó. Đến ngày 28/2, giá đóng cửa của SHB là 9.300 đồng, cao hơn đỉnh giá năm ngoái 11%. Khối lượng khớp lệnh thành công của SHB hai tháng đầu năm là 238 triệu cổ phiếu, ứng với 1.900 tỷ đồng.

Năm qua, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội cũng thu lãi nghìn tỷ nhờ giảm trích lập dự phòng nợ xấu. Sau khi trừ thuế, nhà băng lãi ròng cả năm hơn 750 tỷ đồng. Trong khi đó, cả năm 2012 nhà băng này lỗ hơn 95 tỷ đồng.

4. FLC - 201 triệu cổ phiếu

Giữa tháng 12/2013, FLC xác lập đỉnh giá tại mức 12.500 đồng và bất ngờ giảm sâu tới 60% trong một tháng tiếp theo. Ngày 20/1, khi áp lực bán đã hết, mã này quay đầu tăng mạnh với sắc xanh, tím thống trị trong 18 trên tổng số 24 phiên giao dịch, đưa giá tăng 59%, lên 12.400 đồng vào cuối tháng 2. Tính chung 2 tháng đầu năm, FLC khớp lệnh thành công 201 triệu cổ phiếu, tương đương 30% tổng khối lượng giao dịch năm 2013

5. SCR - 180 triệu cổ phiếu

Với 180 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công trong 2 tháng đầu năm, SCR (Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Sacomreal) tiếp tục là mã đắt hàng thời gian qua. Cổ phiếu này có 11 phiên tăng, 3 phiên giảm và 3 phiên đứng giá. Thị giá SCR cũng tăng 34% so với hồi đầu năm, lên 9.800 đồng vào cuối tháng 2.

Năm qua, doanh thu của Sacomreal đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn năm trước 87% trong khi lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 7,28 tỷ đồng. Một phần lý do là từ khoản lỗ 16,3 tỷ đồng của công ty liên kết, liên doanh trong năm qua tại Sacomreal. Trước đó, SCR cũng là một trong những cổ phiếu được giới đầu tư quan tâm nhất năm 2013

6. SSI - 160 triệu cổ phiếu

Trong 2 tháng đầu năm, thị giá của SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn) tăng 51%, lên 26.800 đồng với khối lượng giao dịch duy trì ổn định mức 4,8 triệu cổ phiếu mỗi ngày. Năm 2013, SSI còn là công ty có thị phần môi giới chứng khoán đứng thứ hai Việt Nam (chỉ sau HSC). Doanh thu công ty gần 727 tỷ đồng, trong đó hoạt động môi giới và đầu tư chứng khoán chiếm 46%, tương đương 334,6 tỷ đồng.

Đa phần những mã có thanh khoản cao nhất 2 tháng đầu năm đều đạt khối lượng giao dịch trên 100 triệu cổ phiếu. Ảnh: H.H

7. HAG - 150 triệu cổ phiếu

Tính từ đầu năm đến gần cuối tháng 2, HAG (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, HAGL) tăng 37% giá, lên 28.000 đồng một cổ phiếu và là một trong những cổ phiếu khiến giới đầu tư phát sốt. Trong hai phiên giao dịch cuối tháng trước, mã này điều chỉnh nhẹ, đóng cửa ở 27.200 đồng vào ngày 28/2. Tổng cộng 150 triệu cổ phiếu HAG chuyển nhượng thành công trong hai tháng đầu năm.

Đà tăng của HAG được nâng đỡ chủ yếu bởi lực cầu từ các nhà đầu tư trong nước khi khối ngoại bán ròng trên 14 triệu cổ phiếu HAG, trị giá 365,5 tỷ đồng. Trong năm qua, HAGL cũng đẩy mạnh tái cấu trúc toàn tập đoàn như thoái bớt vốn ngành thủy điện và bất động sản trong nước, tập trung vào dự án bất động sản chủ lực tại Lào và Myanmar hay đầu tư thêm mía đường, cao su. Doanh nghiệp này lãi gần 950 tỷ đồng năm 2013, tăng 2,6 lần so với năm 2012.

8. KLS - 138 triệu cổ phiếu

Với 138 triệu cổ phiếu được giao dịch, cộng thêm thị giá tăng trên 30% so với hồi đầu năm, các nhà đầu tư nắm giữ KLS (Chứng khoán Kim Long) được xem là đã có khởi đầu năm 2014 đầy thuận lợi. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2013, lãi sau thuế của Kim Long cũng tăng gấp 6,4 lần so với một năm trước, đạt 138,3 tỷ đồng. Dù vậy, doanh thu công ty lại giảm 30%, đạt 167,7 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần là doanh thu từ hoạt động tư vấn tại Kim Long giảm 50% so với năm trước.

9. VCG - 125 triệu cổ phiếu

Trong hai tháng đầu năm, VCG (Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Vinaconex) là một trong những cổ phiếu ngành xây dựng có thanh khoản tăng vọt với 125 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trị giá 1.600 tỷ đồng. Giá mã này cũng tăng 65%, lên 16.500 đồng.

Trong bối cảnh tâm điểm của nhà đầu tư nằm ở VCG, một số lãnh đạo Vinaconex lại rao bán cổ phiếu này. Dự kiến từ ngày 5/3 đến 4/4, Phó tổng giám đốc Nguyễn Đình Thiếu đăng ký bán toàn bộ 45.000 cổ phiếu VCG trong khi Phó tổng giám đốc Đoàn Châu Phong cũng dự kiến bán 57.000 chứng khoán.

10. SHN - 117 triệu cổ phiếu

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, SHN (Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội) đã trải qua ba nhịp sóng với những biến động mạnh cả về giá lẫn khối lượng giao dịch. Đầu tháng 1, giá SHN kịch trần 4 phiên liên tục và duy trì sắc xanh trong 2 phiên tiếp theo. Từng có thời điểm, trong vòng 6 ngày, mã này tăng 53% giá. Ở nhịp sóng giảm, các nhà đầu tư nắm SHN trải qua chuỗi ngày căng thẳng với 4 phiên giá sàn liên tiếp.

Năm 2013, công ty niêm yết SHN là Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội bất ngờ thu về lợi nhuận 1,7 tỷ đồng. Đây được xem là điểm sáng khi 2 năm trước công ty liên tiếp lỗ trên 120 tỷ đồng. Đóng góp chính vào lợi nhuận chủ yếu là doanh thu hoạt động tài chính.

Ngọc Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.