Trần lãi suất 14% đã trở nên lạc hậu khi lãi suất thực đã vượt lên tới trên 18%. Tăng dự trữ bắt buộc là một công cụ cực mạnh đang được nhắc đến nhưng đây được coi là biện pháp “bom tấn” bởi có thể xảy ra khủng hoảng với một số ngân hàng hạn chế khả năng thanh khoản.

Lãi suất: không muốn cũng phải tăng

Lãi suất trên thị trường hiện nay là 18% - 19% mới mong bảo toàn được nguồn vốn và huy động được vốn. Đó là một thực tế dù trần lãi suất 14% vẫn còn giá trị. Các ngân hàng có rất nhiều cách khéo để lách và nếu cần thì họ cũng phải liều "mình như chẳng có" vì sự tồn tại của mình. Còn cơ quan quản lý, dù đã có quy định trần, liên tục có nhắc nhở cảnh bảo nhưng vẫn khó thay đổi được tình hình.

Trao đổi vấn đề này gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng hoàn toàn không phải vô cớ. Một phép tính của chuyên gia này cho thấy, trần lãi suất 14% một năm hiện nay quá thấp so với lạm phát kỳ vọng. Bởi vì, chỉ số giá tiêu dùng tính đến cuối tháng 4 đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Để lãi suất thực dương, ngân hàng phải trả cho người gửi tiền 17%-18% một năm mới đúng chứ. Hơn nữa, thực tế, các ngân hàng đã vay mượn của nhau trên mức trần, có lúc tới 22%-23% một năm.

Trong một diễn biến khác, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 14%/năm lên 15%/năm, "phá vỡ" cả mức trần 14%/năm lãi suất huy động VND.

Chính vì thế, tại một diễn đàn mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, trần lãi suất lúc này đã không còn phù hợp. Thậm chí có chuyên gia cho rằng, với thực tế hiện nay thì việc bỏ trần lãi suất là chuyện không còn xa.

Tuy nhiên, bỏ trần lãi suất thì dùng phương án nào đề quản lý thị trường như hiện nay, nếu bỏ thì theo lộ trình nào và có cần thêm biện pháp để hỗ trợ mục tiêu chống làm phát.

Chính vì thế, ông Nghĩa cho rằng, việc bỏ quy định về trần lãi suất huy động phải chọn thời điểm thích hợp, ít nhất đó là lúc thị trường có dấu hiệu lạm phát đang giảm nhiệt. Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua có chỉ số lạm phát cao và xu hướng tiếp theo chưa rõ ràng thì khó có thể nói bỏ hay không trần lãi suất huy động vào thời điểm này.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, cần dỡ bỏ trần lãi suất nhưng áp dụng cơ chế lãi suất cơ bản, tức là không quá 15% lãi suất cơ bản. Trong khi đó, trên thị trường lại đang có thông tin Ngân hàng Nhà nước sắp trình lên Chính phủ hai phương án điều hành lãi suất.

Có nên dùng
Ảnh minh họa: SGTT

Phương án một: Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng mức trần lãi suất huy động tối đa lên khoảng 15,5% - 16,5%/năm; đồng thời ấn định lãi suất cho vay khoảng 18% - 19%/năm.

Phương án hai: Bỏ trần lãi suất huy động, ấn định lãi suất cho vay khoảng 18% - 19%/năm, tập trung tín dụng cho sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ để cứu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về kinh tế vĩ mô, dù phương án nào thì nếu tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với công cụ chủ yếu là chính sách tiền tệ thì lãi suất tăng là khó tránh khỏi. Chúng ta phải chấp nhận đánh đổi để có sự ổn định dài hạn. Những khó khăn của DN có thể sẽ giải quyết phần nào nếu có một chính sách linh hoạt để hướng các dòng tiền đi đúng mong muốn.

Dữ trữ bắt buộc: vẫn nhạy cảm

Trong kiến nghị mới đây, Ủy ban giám sát tài chính đã cho rằng, có thể sẽ phải sử dụng đến công cụ dữ trữ bắt buộc.

Giải thích điều này, ông Nghĩa cho rằng, quy định hiện nay là các ngân hàng không được sử dụng quá 80% để cho vay. Quy định này không thực tế, thay vào đó nên sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc.

Nếu sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, ví dụ ở mức 5%, các ngân hàng lớn bé đều phải nộp về Ngân hàng Nhà nước mức dự trữ bắt buộc, khi đó có thể hỗ trợ ngân hàng nào đó có khó khăn về thanh khoản. Ông Nghĩa lưu ý, trong các công cụ chính sách tiền tệ thì dự trữ bắt buộc được ví như "bom tấn". Trung Quốc đã sử dụng linh hoạt và thành công với công cụ này.

Tuy nhiên, trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng khi sử dụng công cụ này vì đây là một biện pháp có tác dụng rất mạnh. Một trong những điều cần chú ý là tình trạng thanh khoản của các ngân hàng. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng như năm 2008.

Thực tế, hồi đầu năm vì lo ngại thanh khoản nên cơ quan quản lý chưa tính đến biện pháp sử dụng dữ trữ bắt buộc. Tuy nhiên, với thực tế lãi suất hiện nay thì không nói cũng thấy thanh khoản đang có vẫn đề.

Vậy nếu tăng dữ trữ bắt buộc, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt là những ngân hàng nhỏ đang trong tình trạng thiếu thanh khoản tiền đồng hiện nay. Hiện nhiều ngân hàng nhỏ đang chạy đua đẩy lãi suất huy động tiền đồng lên đến 18%-19% khiến các ngân hàng lớn không muốn cũng phải đẩy lên để giữ khách.

Trong điều kiện hiện nay, nếu tăng dữ trữ, có thề nhiều ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn. Liệu cơ quan nhà nước có "dám" để xảy ra khủng hoảng với một vài ngân hàng và có thể lan ra cả dây chuyền để tính đến bài "dữ trữ bắt buộc" hay có đủ sức mạnh để xử lý thậm chí chấp nhận hy sinh một vài ngân hàng? Thực tế điều này là rất khó và dữ trữ bắt buộc vẫn vướng chuyện nhạy cảm này.

Tuy nhiên, nếu cần thiết, công cụ này có thể sẽ được tính đến nhưng cần có một sự áp dụng linh hoạt. Mỗi ngân hàng có thể sẽ chịu các mức khác nhau mà không cần phải áp dụng đồng bộ. Tuy nhiên, việc cho ai được bao nhiêu lại là điều không hề đơn giản và có thể lại xảy ra nhiều hệ lụy. Bởi vì ngoài việc quy định tỷ lệ cho từng ngân hàng lại còn tính đến chuyện chuẩn bị để hỗ trợ các ngân hàng về thanh khoản

Trong khi đó, lạm phát tháng 5 đã tăng chậm hơn, đây có thể là lý do để có thêm thời gian tính toán cho các biên pháp mạnh hơn nếu cần thiết. Nếu tín hiệu tích cực này được tiếp tục thì có thể những biện pháp mạnh như dữ trữ bắt buộc được trì hoãn.

Tuy nhiên, dưới một cái nhìn dài hạn ổn định vĩ mô thì nhiều người lại cho rằng, đây là cơ hội để mạnh tay chấn chỉnh. Một biện pháp như dữ trữ bắt buộc nếu được áp dụng không chỉ có ý nghĩa đối với chính sách tiền tệ mà còn có thể làm bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống ngân hàng để nhìn nhận và chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, với một chính sách tiền tệ quá trông chờ vào công cụ lãi suất theo kiểu "độc diễn" thì đang và sẽ còn tác động rất lớn đến sản xuất. Nhiều DN đã kếu khó với một chính sách thắt chặt quá mức. Vì thế, ngoài áp dụng thêm các biện pháp linh hoạt về chính sách tiền tệ thì các chính sách tài khóa sẽ cần được đẩy mạnh hơn.

Theo Minh Sơn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0