Tiếp đà giảm giá
Theo khảo sát, trong tháng 1 và 2/2013, thị trường BĐS vẫn tiếp đà giảm giá của năm 2012. Tại Hà Nội, nhiều dự án giá trung bình và thấp đã mở bán từ năm trước vẫn tiếp tục giảm giá, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhiều dự án BĐS vẫn tiếp đà giảm giá (ảnh minh họa)
Đầu tiên là chủ đầu tư dự án Nam Đô Complex khi giảm giá căn hộ xuống còn 20 triệu đồng/m2 cho đợt mở bán từ ngày 1/1/2013. Dự án Unimax Hà Đông cũng đã chính thức công bố mức giá bán mới chỉ từ 13,2 triệu đồng/m2 thay 20 triệu đồng/m2 trước đó. Tương tự, căn hộ Xuân Mai Tower nếu khách hàng nhận bàn giao thô cũng có giá chỉ từ 14 triệu đồng/m2.
Ngày 9/1, Viglacera Land tung ra thị trường căn hộ 800 triệu đồng thuộc khu CT6, giai đoạn 2 Dự án khu đô thị mới Đặng Xá, với tổng số 128 căn hộ có diện tích từ 57,9 m2 đến 76,6 m2, giá bán từ 13,46 triệu đồng/m2.
Tương tự, thị trường cuối năm 2012 còn ghi nhận một số dự án được chào bán giá mềm như Tây Hồ Residence CT2A giá bán từ 27 triệu đồng/m2; dự án chung cư cao cấp Hà Đô Park View giá bán khoảng 22,2 triệu đồng/m2; dự án Mỹ Đình Plaza cũng giảm giá còn 21,5 triệu đồng/m2; dự án Thăng Long Garden cũng đã mở bán vào ngày 25/1 với giá ưu đãi – 19 triệu đồng/ m2...
Không kể ngày Tết, từ 15/2 (mồng 6 Tết Nguyên đán), Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu tiếp tục chào bán ra thị trường khoảng 200 căn hộ thuộc tòa CT8 tổ hợp chung cư Đại Thanh với mức giá 10 triệu đồng/m2. Các căn hộ này có diện tích từ 30-60 m2/căn. Như vậy, ước tính tổng giá trị của một căn hộ sẽ dao động từ 300-600 triệu đồng.
Mới đây, Viglacera Land cũng đã chính thức mở bán 204 căn hộ thuộc dự án khu nhà ở cao tầng OCT2, Khu chức năng đô thị Xuân Phương, Hà Nội. Các căn hộ có diện tích 57,4m2-106,8m2 với giá bán từ 735 triệu đồng/căn (đã bao gồm VAT).
Khu chức năng đô thị Xuân Phương Viglacera có tổng diện tích 14,6ha nằm dọc theo Đại lộ Thăng Long, giáp với đường 70, cách Trung tâm hội nghị Quốc gia khoảng 12 phút đi bằng ôtô. Tại đây, khu nhà ở cao tầng OCT2 được xây dựng trên diện tích 3.189m2, cao 19 tầng với hơn 21.000m2 sàn xây dựng.
Trong khi đó, thị trường BĐS phía Nam cũng đang khá nhộn nhịp với các chương trình mở bán dự án từ Tp.HCM đến các tỉnh lân cận.
Điển hình, tại Tp.HCM, có thể kể đến các dự án như: Imperia An Phú (Quận 2), Sun View 3 Apartment (Quận Gò Vấp), Âu Cơ Tower (Quận Tân Phú)….
Sẽ không giảm sâu
Xu hướng tiếp đà giảm giá BĐS kéo dài sang đầu năm 2013 làm người mua có tâm lý nằm im nghe ngóng, khiến thị trường chưa thể thoát khỏi tảng băng tồn kho.
Trong khi đó, theo TS. Trần Đức Diễn - Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Maxland, thị trường BĐS Việt Nam 2013 phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chính sách, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới và của Việt Nam. Hiện nay, chính sách đã được Chính phủ đưa ra nhưng còn phải chờ đợi xem chính sách đó được thực thi như thế nào.
Về giá của BĐS 2013, TS. Trần Đức Diễn cho rằng: Sẽ không có chuyện giảm sâu, vì giá hiện nay đã giảm ở mức thấp, một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận lỗ.
Tuy nhiên, nói về triển vọng thị trường BĐS 2013, theo ông Diễn, sẽ có một vài yếu tố thuận lợi.
“Được sự quan tâm về mọi mặt của Chính phủ, bên cạnh đó, nguồn vốn FDI cũng như ngoại hối vào Việt Nam tiếp tục tăng, điều đó sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế cũng như thị trường BĐS Việt Nam. Dự kiến quý III hoặc quý IV/2013 thị trường BĐS sẽ có những dấu hiệu ấm lên”, TS Diễn nhận định.
Không mấy tin tưởng vào khả năng hồi phục của thị trường BĐS, ông Nguyễn Hải Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP đầu tư và phát triển Bắc Sơn thì cho rằng: Năm 2013, có thể sẽ tiếp tục là một năm khó khăn hơn nữa với thị trường BĐS.
“Thị trường 6 tháng đầu năm có thể khởi sắc nhưng 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng khó khăn. Mặc dù Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà Nước cũng đưa ra một số giải pháp để kích cầu BĐS nhưng để đến được các doanh nghiệp BĐS là một điều rất khó khăn”, ông Hùng nói.
Hơn nữa, niềm tin của khách hàng vào thị trường BĐS trong năm vừa qua đã bị mất hoàn toàn. Một vài dự án trong năm 2012 không thể triển khai được là cơ sở để người dân mất niềm tin vào thị trường BĐS.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hùng, mặc dù khó khăn nhưng thị trường BĐS trong năm 2013 vẫn có một số phân khúc được quan tâm, điển hình như các chung cư mini giá thấp dưới 1 tỷ đồng lượng khách có nhu cầu vẫn cao, còn thị trường chung cư cao cấp sẽ hoàn toàn bị đóng băng.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc BĐS Đất Lành chưa dám nói về sự khởi sắc của thị trường này.
Theo phân tích của ông Đực, thị trường BĐS hiện còn gặp nhiều khó khăn: 70% sản phẩm tồn kho; các doanh nghiệp BĐS hầu như không còn tiền mặt, lại phải trả lãi cao cho ngân hàng; nhiều doanh nghiệp đã và đang lâm vào tình trạng phá sản.
Để có thể tiếp tục đứng được trên thị trường BĐS, theo ông Đực, cách duy nhất là các doanh nghiệp phải điều chỉnh sản phẩm để bán được cho người có nhu cầu và có khả năng thanh toán. Về phía Nhà nước cần tạo cơ chế rộng rãi, mở rộng giải quyết nhanh chóng các thủ tục, tránh nhiêu khê, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Nói về chủ trương cho làm nhà ở 25 - 30m2 của Chính phủ, Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc BĐS Đất Lành tin tưởng đây là một định hướng rất tốt và có tính chất quyết định để giải phóng hàng tồn kho BĐS hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Đực, việc Nhà nước bỏ tiền ra mua nhà ở thương mại để chuyển đổi thành nhà ở xã hội, nhà tái định cư là không khả thi. Bởi không nên dùng tiền để cứu BĐS, nên cung cấp chính sách cởi mở, rộng rãi hơn theo các kiến nghị của doanh nghiệp để họ có điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, các danh nghiệp phải tự thoát khỏi khó khăn bằng cách tính toán chi li các khâu để tiết kiệm sản xuất, giảm giá thành.
“Nếu làm được những điều đó thì thị trường BĐS sẽ thoát khỏi khó khăn, từng bước ổn định, còn khởi sắc hay không thì năm nay chưa thể nói được. Bởi khởi sắc theo quan niệm của tôi là doanh nghiệp phải tạo ra được những sản phẩm phù hợp với nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp mua nhà để ở. Nếu không hội tụ đủ hai yếu tố đó, chưa thể gọi là khởi sắc”, ông Đực nhận định.