Hầu hết các quỹ đầu tư nội đang niêm yết trên sàn TPHCM đã thông báo trong đại hội đồng cổ đông của họ vừa rồi hoặc cho biết sẽ trình đại hội tuần tới chiến lược chuyển đổi sang quỹ mở ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quy định về hoạt động của loại quỹ này. Các quỹ nội không che giấu sự vội vã và gấp rút chuẩn bị bởi họ đã chờ đợi quá lâu.
“Lép vế” cả bốn hướng

Không chỉ các chứng chỉ quỹ niêm yết mất giá trong mắt nhà đầu tư, mà ngay cả các quỹ đóng không niêm yết cũng phải đối mặt với khó khăn. Một số tổ chức và cá nhân đang có ý định rút vốn khỏi các quỹ đóng bởi họ không nhìn thấy sự sinh sôi nảy nở của đồng tiền, ngược lại họ có khả năng mất vốn ít nhiều và hàng năm vẫn phải trả phí quản lý, giám sát.

Việc chuyển đổi thành quỹ mở sẽ cho phép các quỹ nội mua lại chứng chỉ quỹ của chính họ, nhờ đó “vực dậy” giá chứng chỉ quỹ.

Thêm vào đó các quỹ đóng nội địa rõ ràng đang lép vế trước các quỹ nước ngoài. Thống kê của cơ quan quản lý ngành cho thấy cả nước hiện có 26 quỹ đóng nội địa với tổng số vốn 16.781 tỉ đồng, tương đương 800 triệu đô la Mỹ, thấp hơn hẳn con số 129 quỹ nước ngoài các loại đang đầu tư vào Việt Nam với hàng tỉ đô la Mỹ. Có tiềm lực tài chính, có khả năng “khuynh đảo” thị trường chứng khoán, mỗi bước dịch chuyển của các quỹ ngoại lớn đều được các nhà đầu tư quan sát, theo dõi, thậm chí hành động theo. Chỉ quỹ nội là vẫn im lìm.

Sự “thất sủng” của quỹ nội không chỉ do mức chiết khấu quá cao, từ 25-50% của giá chứng chỉ quỹ so với tổng giá trị tài sản ròng (NAV), mà còn do các quỹ này trong nhiều năm không đưa ra được một sản phẩm mới nào. Sự trầm lắng kéo dài từ năm 2008 của chứng khoán là nguyên nhân khách quan không thể không tính đến.

Nhưng quan trọng hơn là các quỹ đóng bị “bó tay” khi thị trường trái phiếu chuyển động chậm chạp, các quỹ bất động sản dạng tín thác, các sản phẩm phái sinh chưa thể có khung pháp lý để ứng dụng. Khi bỏ tiền vào các quỹ đóng nội địa 5-7 năm trước, nhà đầu tư kỳ vọng thị trường tài chính phát triển và hoạt động của quỹ được đa dạng hóa.

Thực tế lại không như vậy. Các quỹ đóng chỉ có một sân chơi duy nhất để giải ngân là chứng khoán. Thị trường OTC cũng trì trệ vì sau Vietinbank, chỉ có một doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Khí phát hành cổ phiều lần đầu ra công chúng.

Cơ may

Sau nhiều lần đề nghị, mới đây các công ty quản lý quỹ nhận được thông tin những quy định liên quan đến quỹ mở và việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở có thể được ban hành, có hiệu lực từ đầu tháng 7-2011. Tuy nhiên các nhà đầu tư đang sở hữu chứng chỉ quỹ niêm yết tỏ ra nghi ngờ. Phát biểu trong đại hội đồng cổ đông một số quỹ, họ cho rằng việc vội vã chuẩn bị chuyển sang quỹ mở là sự “đánh cược” với chính sách, vì không ai có thể phỏng đoán bao giờ quy định về quỹ mở chính thức được ban hành. Người ta có quyền không tin bởi đầu năm ngoái, một quan chức cấp cao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tuyên bố cho áp dụng phương thức giao dịch T+2 ngay, nhưng đến tận giờ T+2 vẫn không thấy “tăm hơi”!

Việc chuyển đổi thành quỹ mở sẽ cho phép các quỹ nội mua lại chứng chỉ quỹ của chính họ, nhờ đó “vực dậy” giá chứng chỉ quỹ. Một khi mức chiết khấu thấp, chứng chỉ quỹ có khả năng thu hút giới đầu tư. Với cơ chế linh hoạt có thể rút vốn và góp vốn bất cứ lúc nào, vòng quay vốn của quỹ mở sẽ nhanh, họ sẽ giao dịch tích cực trên thị trường và góp phần làm chứng khoán sôi động. Vì thế, quỹ mở có thể xem như một cú hích cho thị trường.

Câu hỏi đặt ra là cùng với quỹ mở, các quỹ đầu tư chỉ số ETF có được phép chào đời? Quỹ ETF về bản chất là một dạng đặc biệt của quỹ mở. Tại sao các quỹ ETF nước ngoài có thể đầu tư chỉ số VN-Index còn các quỹ trong nước, huy động vốn ngay tại chỗ lại không? Hay đơn giản các quỹ nước ngoài là chuyện của nước ngoài, còn quỹ của ta thì ta phải quản lý chặt? Quy định về quỹ mở được ban hành là một vế. Vế thứ hai là quy định đó thông thoáng đến đâu mới đáng quan tâm. Cho dù được hoạt động nhưng bị ràng buộc bởi quá nhiều điều kiện, thì hiển nhiên quỹ mở sẽ hạn chế cơ hội của nhà đầu tư và cả thị trường.

Việc ban hành khung pháp lý về quỹ mở nói riêng, về các sản phẩm phái sinh nói chung ở thời điểm nào, nhìn rộng ra, là cả một quá trình vận động hướng tới sự phát triển của thị trường và khả năng điều tiết, quản lý nó. Khi đã chuyển thành “mở”, các quỹ nội địa hiện hành bắt buộc phải hoạt động tích cực, luân chuyển vốn, quy mô có khả năng mở rộng, các quỹ mới thành lập có vốn nhiều... liệu cơ quan quản lý thị trường có theo kịp? Đấy chính là chìa khóa của vấn đề. Nó cũng tương tự với ban hành quy định về sản phẩm phái sinh hay bất kỳ một quy định nào có khả năng thúc đẩy thanh khoản thị trường và vòng quay của dòng vốn.

Dường như Bộ Tài chính, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, đã xếp vào ngăn tủ quá lâu sự quan sát rằng thị trường tài chính Việt Nam bốn năm qua không thể tiến triển do tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm lại. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự chậm lại ấy là gì nếu không phải là sức ỳ chứng khoán? Không gì có thể kích thích các tập đoàn, tổng công ty cổ phần hóa nhanh bằng sức bật của chứng khoán. Trào lưu cổ phần hóa dâng cao trong hai năm 2006-2007 là bằng chứng thuyết phục nhận định đó. Biết đâu, bắt đầu từ quy định về quỹ mở sắp tới, chứng khoán và cả thị trường tài chính sẽ có một cơ may, và tiếp theo một vận hội mới!

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland