21/09/2012 2:46 PM
Gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) của Mỹ được cho là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ quốc gia này. Nhưng cơ hội không đến từ một phía.

Ford vẫn theo đuổi chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Đoàn doanh nghiệp Mỹ và Caymans lại vừa tới Việt Nam để làm việc với các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham vọng của họ là xây dựng một đặc khu kinh tế ở Việt Nam. Chi tiết kế hoạch này chưa được tiết lộ, song theo đề xuất, đặc khu kinh tế này có thể được xây dựng tại Bình Định hoặc Nha Trang.

Tất nhiên, sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm để biến những kế hoạch trên giấy thành hiện thực, song động thái trên một lần nữa cho thấy, doanh nghiệp Mỹ vẫn thực sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Thậm chí, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định, cơ hội lớn nhất mà gói QE3 mang lại cho Việt Nam là cơ hội thu hút đầu tư từ quốc gia này. “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tung ra gói kích thích, nhưng doanh nghiệp Mỹ có thể không vay tiền để sản xuất nội địa, mà sẽ đưa luồng tiền này sang những nơi có chi phí rẻ hơn, quản lý thông thoáng, minh bạch nhất để sản xuất”, ông Thành nhận định.

Thêm một động thái khác: kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore thực hiện với 350 nhà điều hành cấp cao của các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động trong khu vực cho thấy, có tới 57% số người được hỏi cho rằng, họ sẽ chọn Việt Nam để mở rộng kinh doanh trong năm tới. Con số này khiến nhiều người bất ngờ, bởi nó bỏ xa sự lựa chọn của các nhà đầu tư Mỹ đối với các quốc gia khác, như Thái Lan (11%), Singapore (8%), Philippines (7%), Indonesia và Myanmar (6%)…

Sau kết quả khảo sát trên, nhiều thông tin khẳng định rằng, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á của nhà đầu tư Mỹ. Điều này có lẽ cũng không sai, bởi nhiều năm gần đây, liên tục có các đoàn DN lớn của Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Những tên tuổi như Coca-Cola, Unilever, Kimberly-Clark, Pepsico, P&G, Nike, Ford... khiến nhiều người ngưỡng mộ. Thăm Việt Nam hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam.

Thực tế, ngay từ sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) được ký kết, cũng như sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt ra đối với đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Nếu nhìn vào con số hơn 10 tỷ USD mà các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam cho đến thời điểm này và vị trí trong “top 10” các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, thì cũng không hẳn là một kết quả tồi. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI cho rằng, kết quả đó không được như kỳ vọng. “Đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đã không tăng trưởng mạnh như mong muốn và cũng không có nhiều nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Chúng ta cũng chưa tận dụng được lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm quản trị từ các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ”, ông Mại nói và cho rằng, một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ mà Việt Nam đặt kỳ vọng cao, đó là Intel, nhưng thực tế, bước đi của nhà đầu tư này tại Việt Nam đã không nhanh và mạnh như mong muốn.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, dù các nhà đầu tư Mỹ vẫn có những đánh giá khả quan về triển vọng kinh doanh ở Việt Nam, nhưng những hành động cụ thể của họ lại rất đáng suy nghĩ.

Trong 8 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Mỹ chỉ đăng ký đầu tư 24 dự án, với tổng vốn đăng ký rất khiêm tốn là 48,69 triệu USD. Cộng thêm 7 dự án tăng vốn, với 44 triệu USD, thì cả vốn đăng ký và tăng thêm của Mỹ chỉ trên 92 triệu USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Phân tích vì sao đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, các nhà đầu tư Mỹ rất coi trọng sự minh bạch của pháp luật, trong khi ở Việt Nam, các quy định này nhiều khi thiếu thống nhất, khiến nhà đầu tư phải lòng vòng. “Điều đó khiến nhà đầu tư Mỹ nản lòng. Họ cũng đòi hỏi hạ tầng cơ sở tốt, chất lượng nguồn nhân lực cao, nhưng Việt Nam lại thiếu điều này”, ông Mại nói.

Liên quan tới vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng đã từng thừa nhận sự khác biệt về văn hóa kinh doanh giữa Việt Nam và Mỹ. Theo ông Doanh, Việt Nam vẫn quen với việc chào hỏi xin phép, đôi khi có trường hợp còn đòi “dầu mỡ bôi trơn”. Trong khi đó, doanh nghiệp Mỹ thì quen làm theo luật pháp.

Kết quả khảo sát mà Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore công bố cũng cho thấy, các nhà đầu tư Mỹ cho rằng, các vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam chính là tham nhũng và cơ sở hạ tầng.

Có lẽ cũng chính bởi vậy mà mặc dù cho rằng, QE3 sẽ mang lại cơ hội thu hút FDI từ Mỹ, song ông Bùi Kiến Thành đã đặt ra câu hỏi về việc, liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không. “Nếu quản lý chưa thông thoáng, minh bạch, trình độ tay nghề lao động chưa được nâng cao, tham nhũng chưa giảm bớt…, thì cơ hội này sẽ trôi qua”, ông Thành nói.

Theo Nguyên Đức (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: FDI, QE3, FED