Sự dịch chuyển trong nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam
Theo thống kê của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đến hơn 80% thị phần so với các kênh hiện đại, đặc biệt tại thị trường tỉnh và các thành phố nhỏ. Một trong các lý do chính là việc người tiêu dùng vẫn ưu tiên tính thuận tiện và chi phí khi chọn mua hàng ở chợ, cửa hàng tạp hóa… thay vì coi trọng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận những thay đổi lớn trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Một ví dụ điển hình là sự gia tăng của các hình thức thanh toán tiện ích như ATM, thẻ tín dụng nhờ tính bảo mật, an toàn và sự linh hoạt trong quá trình sử dụng. Hay nhu cầu sử dụng thức ăn tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn có nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh; các dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng, ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết… ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Nhu cầu nâng tầm chất lượng cuộc sống trên là kết quả tất yếu khi thu nhập người tiêu dùng ngày càng cao. Ông Đậu Anh Tuấn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, cơ cấu dân số Việt Nam là cơ cấu vàng, với mức thu nhập thấp nhất trên đầu người đang tăng trưởng khoảng 15%/năm. Thu nhập tăng nhanh và sẵn sàng cập nhật những phong cách sống hiện đại là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, chuỗi siêu thị tiện lợi, khiến đây trở thành đối thủ đáng gờm của các kênh bán lẻ truyền thống. Xu hướng này được thể hiện qua sự có mặt của gần 700 siêu thị, khoảng 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích trong hệ thống các kênh bán lẻ. Dự kiến, các kênh bán lẻ hiện đại này sẽ tăng thị phần từ 20% (2015) lên 40% (2020).
Cơ hội dẫn đầu thị trường bán lẻ nhờ các trung tâm thương mại “thấu hiểu khách hàng”
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các thành phố loại 1, loại 2 như Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Long Xuyên, Thái Bình… đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về diện mạo đô thị, cấu trúc hạ tầng giao thông. Sự phát triển nhanh chóng đó kéo theo chất lượng sống của người dân tại các đô thị này được nâng lên. Thói quen của người tiêu dùng tại đây cũng đang dần thay đổi, hướng tới các nhu cầu mua sắm và giải trí hiện đại. Xu hướng phát triển các mô hình siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) trong thời gian tới sẽ là kênh chiếm giữ vai trò chủ đạo tại các đô thị mới.
Trung tâm thương mại Vincom tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)
Luôn nhanh nhạy với thị trường và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, các chủ đầu tư bất động sản thương mại đang lên kế hoạch mở rộng thị phần tại các thành phố trẻ. Dẫn đầu nhóm này là hệ thống TTTM Vincom với việc khai trương hàng loạt các TTTM tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa, Hải Phòng,…. Sự xuất hiện TTTM tại các tỉnh, thành phố này đã khuấy động thị trường địa phương, bước đầu thúc đẩy sự dịch chuyển tất yếu trong thói quen tiêu dùng của người dân sang kênh bán lẻ hiện đại. Trong thời gian tới, tốc độ phát triển của các TTTM được dự đoán sẽ càng tăng nhanh và phủ rộng trên khắp cả nước. Riêng thương hiệu Vincom sẽ phát triển lên con số 30 TTTM tại gần 20 tỉnh thành như An Giang, Buôn Ma Thuột, Bạc Liêu, Thái Bình, Hà Tĩnh,… tính tới hết năm 2016.
Có thể dễ dàng nhận thấy ngành bán lẻ tại Việt Nam đang thay đổi và đón nhận nhiều cơ hội lớn. Trong tương lai gần, chắc chắn thị trường sẽ còn chuyển mình tích cực. Những nhà bán lẻ dẫn đầu muốn tiên phong mở rộng thị phần tại các thị trường mới cần nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Để làm được điều đó, họ cũng nên đồng hành với những chủ đầu tư dày dặn kinh nghiệm để phát triển và quản lý mô hình bán lẻ hiện đại hiệu quả.