Con sông vốn tồn tại từ bao đời, hiện đang bị thu hẹp và có nguy cơ bị lấn chiếm, nhiều công trình nhà ở kiên cố đang “nhoai” dần với ý đồ “lấp” sông...

Vi phạm trong trật tự xây dựng (TTXD) là chuyện thường ngày xảy ra. Anh xe ôm, chị bán nước chè không có bằng cấp cũng dễ dàng “nói vanh vách” những vi phạm. Tuy nhiên, nhiều nơi cơ quan chức năng với bộ máy cán bộ hùng hậu lại không biết? Phía sau câu chuyện “chỉ người dân biết” này là gì? Loạt bài báo này mới chỉ ra một phần của sự thật.

Những căn nhà chênh vênh...

Đứng trên cầu Hữu Hòa, trên một nhánh sông Tô Lịch chảy qua, thuộc địa phận xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhìn về phía bờ sông, chúng tôi thấy rờn rợn như cảm giác đang chênh vênh trên cây cầu muốn sập xuống dòng sông. Những căn nhà cấp 4 được xây dựng, mà quá nửa móng nhà “gác” lên trên những cây cọc bê tông dựng lởm chởm dưới lòng sông, chỉ có một phần nhỏ của những cái móng (phía mặt tiền) được gác lên bờ sông.

Một người dân cho biết: “Trước kia toàn bộ dãy nhà này là hành lang thủy lợi của dòng sông. Lúc đầu lác đác vài người dựng lều bạt, những cái lán sơ sài làm chỗ kinh doanh bán hàng tạm bợ. Số lượng người ra bán hàng bên bờ sông này mỗi ngày một đông, không lâu sau đó đoạn bờ sông này trở thành cái chợ cóc khá nhộn nhịp. Cũng từ đó mà số lều lán mọc lên ngày càng nhiều. Sau rồi người dân nhìn nhau, nhiều người theo nhau cũng ra “xin xã” cho cái chỗ bán hàng. Thời gian trôi theo năm tháng, chủ nhân của những cái lán tôn lụp xụp đã mượn cớ mưa gió, sợ bão gió làm sập nguy hiểm đến tính mạng nên “xin xã” tạo điều kiện cho được xây nhà cấp 4”.

Nếu đi dọc tuyến đường Hữu Hòa (nói đúng hơn là bờ sông) từ cầu Hữu Hòa theo hướng Nghĩa trang liệt sĩ Hữu Hòa hai bên mặt đường san sát với nhiều hàng quán kinh doanh và dịch vụ. Nhưng nhìn từ phía cầu Hữu Hòa hoặc phía xã Tả Thanh Oai sang mới thấy sự rờn rợn bởi cả dãy nhà nằm liêu xiêu.

Lấn chiếm hành lang thủy lợi, khiến lòng sông bị thu hẹp, gây cản trở dòng chảy, dễ bị ứ đọng khi có bão lũ xảy ra, những căn nhà chênh vênh trên mặt nước cũng là mối nguy hiểm rình rập sinh mạng của những người dân sinh sống tại đây. Một hậu quả tồi tệ hơn nữa là chất thải của các hộ dân làm cho dòng sông càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi những công trình vệ sinh trong các ngôi nhà này thải trực tiếp ra sông.

Liệu có căn nhà nào được cấp phép xây dựng như thế này?

Vì sao biết và không biết...?

Tiếp xúc với một số người dân đang sinh sống trong những căn nhà nằm trên miệng “hà bá”, hầu hết họ đều cho biết: Trước kia, khu vực này là bờ sông nên cỏ dại mọc um tùm đâu có mấy ai để ý. Khi ở Hà Nội tấc đất đắt hơn tấc vàng, đất chật người đông thì người ta mới nghĩ đến chuyện “mượn” tí bờ sông để kinh doanh, làm được cái lán lên vừa có nhà mặt đường để kinh doanh, vừa có chỗ ở lại không phải mua đất làm nhà, và không phải mất tiền thuê nhà hàng tháng.

Nghe mọi người nói đến chuyện “mượn” tí đất hành lang thủy lợi để dựng cái lán rồi làm cả căn nhà dễ dàng như việc dựng nhờ cái xe máy ở sân nhà hàng xóm. Tôi thắc mắc: “Tại sao xây cả căn nhà trên phần đất bảo vệ dòng sông thế này mà UBND xã và UBND huyện lại “để yên”? Một người dân thẳng thắn nói: “Bây giờ anh cứ dựng vài cái cọc tre, căng cái bạt ở chỗ đất trống xem! Chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã có mấy anh thanh tra xây dựng, địa chính... đến “hỏi thăm” rồi chứ nói gì đến làm nhà. Bất cứ ai muốn làm được như thế này đều phải “qua” UBND xã hết”.

Có người dân còn cho biết, hiện tại, có nhiều căn nhà mọc trên hành lang thủy lợi kia đã được người dân mua đi, bán lại với giá hàng trăm triệu đồng, và hầu hết người mua là người từ nơi khác đến. Theo quy định, bất cứ ai đến tạm trú tại địa bàn xã Hữu Hòa đều phải khai báo tạm trú với CA xã. Có phải công tác quản lý nhân khẩu tạm trú, tạm vắng còn lỏng lẻo, nên CA xã này “không nắm được” những hộ cư trú trên những khu đất hành lang thủy lợi kia? Và UBND xã Hữu Hòa “không nhìn thấy” cả dãy nhà mọc trên đất hành lang thủy lợi? Hay CA xã Hữu Hòa biết nhưng mặc cho họ sinh sống trên miệng “hà bá”, để rồi... sống chết mặc bay?

Nguyễn Khuê (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.