Tháng 6.2005, trong bài thơ vui Vòng đời dự án, tôi có viết mấy câu: "Em vẫn bảo quy hoạch vùng đang cấm/Anh lại muốn phân lô dễ dãi cho mình/Nào ngờ đâu tháng mười tròn năm ấy/Tình xô nghiêng số 8 đã cong vành"...
Tình xô nghiêng…
Vậy cái con số 8 oan nghiệt ấy là gì vậy? Xin thưa đó là viết tắt đi của cái Nghị định 181, một nghị định có sức nặng như trời giáng, để triển khai luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7.2004, còn Nghị định 181 thì được ký ban hành vào ngày 29.10.2004.
Thành viên đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường thu nhận hồ sơ khiếu nại tố cáo của người dân TP.HCM tháng 8.2005. Ảnh: Diệp Đức Minh
So với cái Chỉ thị 05 của UBND TP.HCM ký ban hành “chấm dứt việc phân lô” như một lời khuyến cáo, thì “cái 181” này vô cùng cay nghiệt. Nó chặn hết mọi con đường làm ăn của giới đầu tư phân lô. Dày đến 45 trang, đề cập đến đủ chuyện về quản lý và sử dụng đất, nhưng với thị trường bất động sản thì tựu trung có 2 ý rất nặng.
Một là nghiêm cấm việc phân lô bán nền, chỉ cho phép các chủ đầu tư bán nền khi đã hoàn tất hạ tầng, và phải buộc khách hàng ký hợp đồng xây nhà luôn, không bỏ đất trống. Hai là buộc các chủ đầu tư khi áp giá đền bù đất của dân để làm dự án, phải thỏa thuận theo giá thị trường.
“Cú đánh trực diện” vào giới đầu tư địa ốc, mà trọng điểm là ở TP.HCM này, tác giả chính là GS Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tất nhiên là phải có động tác “bật đèn xanh” và thúc hối gắt gao của ông Mai Ái Trực, lúc này là Bộ trưởng.
Hơn ba tháng trời sau khi Quốc hội thông qua và luật Đất đai có hiệu lực, cho đến khi Nghị định 181 ra đời, là ba tháng nghiền ngẫm ráo riết của GS Võ và các cộng sự. Và ba tháng ấy, cũng là thời gian mà giới đầu tư địa ốc Sài Gòn như ngồi trên chảo lửa.
Nhưng độ nóng của “chiến dịch” ngăn chặn đất phân lô thực sự gây ra một cú sốc nặng, có nguy cơ đốt cháy cơ đồ sự nghiệp của nhiều doanh nghiệp là vào tháng 8.2005, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất tỏa về 5 tỉnh, thành, trong đó “xương sống” của chiến dịch vẫn là TP.HCM.
Đoàn kiểm tra do GS Võ dẫn đầu với một số thành viên, trong đó có cả Tổng cục Địa chính. Dù đoàn chưa vào đến Sài Gòn, nhưng trong các cuộc trà dư tửu hậu của giới quan chức của TP và cả các quận huyện, kể cả các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, đã nghe lắm xôn xao. Cuộc kiểm tra như xới lên một bầu không khí khiếu nại tố cáo của người dân ở nhiều quận huyện. Ở đâu đoàn tiếp xúc, là cả núi hồ sơ khiếu nại được gửi đến.
Ông Võ, với cái giọng rất rành mạch, khúc chiết và quyết liệt của mình đã nói những lời xoa dịu lòng dân, và vỗ về với những ai quá bức xúc chửi bới. Nhưng tôi còn nhớ mãi, câu lặp đi lặp lại của ông, là giải tỏa, lấy đất của dân để làm kinh tế, thì nhất định phải đền bù theo giá thị trường. Đoàn đi đến nhiều quận huyện, kể cả Cần Giờ là nơi xa nhất, lắng nghe và gom hồ sơ về.
Trong khi đó, để tiếp sức cho đoàn, chỉ 3 ngày sau khi đoàn làm việc, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã bay vào tổ chức ngay một cuộc họp ở trụ sở của Sở Tài nguyên và Môi trường, báo chí vào dự thoải mái. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ giọng nói Bình Định sang sảng của ông Trực và thái độ dứt khoát phải làm rõ mọi chuyện khuất tất với dân.
Như vậy luật Đất đai sửa đổi ra đời, Nghị định 181 ra đời ghi một dấu ấn rất lớn với công cuộc quản lý sử dụng đất, trong đó cũng đã làm “nghiêng ngả” không ít người. Rồi sau đó ít lâu, ông Trực và ông Võ ra đi, rời khỏi chính trường…
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói quyết liệt: "Giải tỏa, lấy đất của dân để làm kinh tế, thì nhất định phải đền bù theo giá thị trường". Ảnh: Diệp Đức Minh
300 căn nhà, 7 quan bị biếm chức
Nếu nói về quy mô và sự táo bạo của chuyện phân lô, xây dựng trái phép thì kể cả cho đến nay, chưa ai qua được công ty N.Đ với dự án 300 căn nhà ở Q.Tân Bình, xảy ra vào tháng 8.2003. Sự đổ bể của dự án này đã gây rung chuyển không chỉ trong phạm vi TP, bởi nó như một “cú vỗ mặt” vào cái Chỉ thị 05 được ban hành trước đó 19 tháng.
Vụ việc này tóm tắt như sau: Một ngày nọ, phía sau con đường mang tên nhà thơ Chế Lan Viên, chạy thẳng vào con đường ngang nhỏ hơn có tên là Dương Đức Hiền (thuộc P. 15. Q.Tân Bình), bỗng dưng “mọc” lên 300 căn nhà cấp 4 một cách bí hiểm. Người dân phản ánh, báo chí vào cuộc phanh phui, và lộ ra đằng sau nó là một “mảng tối” của một nhóm lợi ích cấu kết nhau “phá ngang” Chỉ thị 05.
Lãnh đạo TP điên đầu, tức giận vô cùng. Một quyết định đưa ra để giữ tính nghiêm minh của Nhà nước, nhưng cũng mang nhiều hệ lụy đau khổ cho những người dân nghèo: cưỡng chế phá dỡ tất cả, trả lại hiện trạng ban đầu. 300 tờ quyết định mỏng manh, nhưng lại có sức mạnh huy động cả một lực lượng vô tiền khoáng hậu trong lĩnh vực cưỡng chế.
Ngày ngày, xe ủi xe xúc cứ ngoạm lấy ngoạn để từng căn nhà, sau khi cán bộ vào kêu gia chủ để đọc quyết định. Đã xảy ra xô xát va chạm và nước mắt cứ chảy dài.
Cưỡng chế nhà tại P.15, Q.Tân Bình tháng 8.2003. Ảnh: Diệp Đức Minh
Tôi còn nhớ rõ cảnh một gia đình, vợ chồng cố tình khóa cửa bỏ đi để tránh, nhốt lại đứa con khoảng 4, 5 tuổi trong nhà. Khi đoàn cưỡng chế tiến đến, qua song cửa xếp hẹp, đứa trẻ đứng nhìn ra với ánh mắt ngơ ngác sợ hãi.
Tôi chạy đi tìm anh Diệp Đức Minh, phóng viên ảnh của tòa soạn để bấm vài bức hình về cảnh đó. Rất tiếc là sau nhiều ngày tìm kiếm, vẫn chưa tìm ra được, tấm hình ấy đã bị thất lạc đâu đó, 15 năm rồi…
Riêng với vụ việc này, Báo Thanh Niên lúc ấy đăng 8 bài liên tục, tiếp cận ở nhiều khía cạnh: vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị 05, đả phá thẳng vào nhóm lợi ích, và quan trọng hơn là đồng cảm chia sẻ với nỗi khổ của người dân khi trút hết lưng vốn ra, thậm chí có nhiều người phải chạy vạy vay mượn để mua nhà mong có chốn dung thân.
Có 7 quan chức từ phó chủ tịch quận trở xuống bị biếm chức, 16 cá nhân tham gia phân lô xây nhà trái phép bị lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra. Ông Lê Thanh Hải, lúc này là Chủ tịch UBND TP.HCM, đã trực tiếp về ngay UBND P.15, nơi xảy ra vụ việc, để họp và đọc luôn quyết định biếm chức, đồng thời khiển trách gay gắt ông Thái Văn Rê, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình.
Một khu nhà đang được xây dựng ở Q.7 sau khi có Nghị định 181. Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhưng, chuyện phân lô dù có cả Nghị định 181, vẫn chưa có hồi kết, thay vì phi nước đại như trước, “con ngựa bất kham” bây giờ nhởn nhơ phi nước kiệu…
“Một doanh nghiệp phát biểu: “Với quy định không cho bán đất nền, phải xây nhà để bán, thì rất nhiều chủ đầu tư sẽ “lách luật”, bởi thay vì chuyển nhượng đất nền như trước đây, bây giờ họ sẽ ký kết hợp đồng góp vốn đầu tư. Như vậy thì có sai không? Còn về việc xây dựng nhà, trước đây nhiều chủ đầu tư cũng đã lách Chỉ thị 08 bằng cách hợp đồng với khách hàng của mình, sau đó xây dựng nhà theo mẫu thiết kế, kiến trúc của dự án, rồi sau đó hợp thức hóa chủ quyền nhà đất theo quy định”. Đem ý này ra hỏi nhiều doanh nghiệp thì các chủ đầu tư dự án đất nền đều nói: có thể làm theo cách này, nhưng cũng là việc chẳng đặng đừng, vì nó rất nhiêu khê, thường xảy ra tranh chấp. Điều quan trọng hơn là thị trường sẽ đóng băng dài ngày” Trích bài viết Xung quanh Nghị định 181 về thi hành luật Đất đai: Sẽ có một cú sốc nặng trên thị trường địa ốc của PV Thanh Niên ngày 3.11.2004 |