Dù sau 9 tháng mới có được diễn biến này, nhưng việc hạ trần lãi suất huy động vừa qua trở nên mờ nhạt. Cơ chế trần vẫn chưa thể gỡ bỏ hoàn toàn. Vì sao vậy?

Ngay khi vừa đảm nhận vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận trần lãi suất là một giải pháp cực chẳng đã, phải từng bước tìm cách gỡ bỏ.

Cuối tuần qua, thông tin về định hướng hạ trần lãi suất đã phổ biến trên thị trường. Trước khi có quyết định và công bố chính thức, trong cuộc gọi trò chuyện với VnEconomy, một chuyên gia đặt tình huống: “Đọc thông tin báo chí không thấy nói đến các lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu…, cũng như mức độ cắt giảm nếu có. Đây mới là các lãi suất điều hành, công cụ của Ngân hàng Nhà nước. Còn hạ trần lãi suất huy động, vẫn là một biện pháp hành chính và lúc này không nhiều ý nghĩa”.

Các lãi suất điều hành rồi cũng giảm, một bước đáng kể. Nhưng vì sao việc hạ trần lãi suất huy động lại không nhiều ý nghĩa và trở nên mờ nhạt?

Ngày 18/3, ngày đầu tiên các ngân hàng thương mại thực hiện theo những điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước. Lãnh đạo một ngân hàng gọi điện cho người viết, hỏi: “Bạn thấy có điều gì khác biệt ở lần hạ trần này không?”.

Thị trường không mấy sôi nổi về mặt thông tin như những lần điều chỉnh trước; thậm chí những lần hạ trần trước đây luôn nóng vì thị trường đón đợi, đồn đoán bởi nó cho nhiều tín hiệu. Về cảm quan là vậy. Còn ở hoạt động các ngân hàng, việc thực hiện cũng diễn ra lặng lẽ…

Vị lãnh đạo ngân hàng trên cũng nêu đánh giá của mình rằng, trần lãi suất và việc điều chỉnh của nó đã không còn giá trị tín hiệu về điều hành chính sách như trước; cơ chế trần lãi suất huy động đã trở nên xơ cứng trước thực tế của thị trường.

“Nhìn lại cả quá trình, điểm khác biệt của lần điều chỉnh này là lần đầu tiên trần lãi suất huy động đi sau thị trường, chạy theo thị trường. Cũng chính vì thế mà sự kiện trở nên mờ nhạt. Và cũng chính vì thế mới cần xem xét có nên áp dụng nó nữa hay không?”, lãnh đạo ngân hàng này giải thích thêm.

Đúng vậy. Từ đầu năm 2014 đến nay, không đợi Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất huy động; các kỳ hạn còn chịu giới hạn trần cũng đã thoái lui, dưới mức trần từ 0,2% - 0,5%/năm.

Trong ngày đầu tiên thực hiện trần lãi suất huy động VND 6%/năm, một số ngân hàng chiếm thị phần lớn cũng “chấp” hẳn 0,2% - 0,5%/năm. Nói cách khác, mức trần lãi suất quy định hiện nay đối với họ không có ý nghĩa.

Sau hơn 4 năm, kể từ khi cơ chế trần lãi suất huy động được áp dụng, lần đầu tiên nó mới bị rơi vào tình thế như vậy. Cụ thể hơn, thị trường và hoạt động của các ngân hàng thương mại đã tự điều tiết được, thay vì phải tuân theo biện pháp hành chính không chế.

Kể từ khi được thiết lập vào cuối năm 2010, trần lãi suất huy động luôn là một chiếc vòng ngột ngạt, căng thẳng và có ảnh hưởng sâu sắc đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại, thậm chí là một “cơ chế đắt đỏ” khi nhiều trường hợp đã và đang phải trả giá đắt. Mỗi lần điều chỉnh trước đây, theo đó, đều có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn (ý nghĩa và mục đích của chính sách lại là một vấn đề khác).

Còn nay là thực tế nói trên. Các ngân hàng đã có được, đã chủ động được sự điều tiết, không chỉ ở các kỳ hạn đang chịu áp trần mà cả các kỳ hạn dài lãi suất cũng đã và đang giảm mà không cần phải dùng đến biện pháp hành chính.

Vị lãnh đạo ngân hàng trên cũng lập luận rằng, kể cả những năm căng thẳng trước đây, trần lãi suất huy động thực tế cũng không phải là trần thực sự nữa. “Thị trường vẫn phải tự điều chỉnh, tự tìm tiếng nói và lối đi riêng của mình bằng cách vượt trần. Bây giờ thì quá rõ rồi, những vụ như Huyền Như hay kết luận thanh tra tại Agribank cho thấy mức độ của tiếng nói và lối đi riêng đó. Trần lãi suất là ý chí chủ quan của nhà điều hành, thị trường vẫn phải tự điều tiết, nó không chấp nhận, bằng chứng là tình trạng vượt trần phổ biến trước đây. Đã đến lúc phải trả lại cho thị trường, cơ chế trần này cần gỡ bỏ”, ông nói thêm.

Dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước cũng thấy rõ điều đó. Ngay khi vừa đảm nhận vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận trần lãi suất là một giải pháp cực chẳng đã, phải từng bước tìm cách gỡ bỏ.

Hơn một năm qua, nhà điều hành cũng đã từng bước gỡ trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Cộng với tín hiệu thị trường tự điều tiết, các ngân hàng thương mại chủ động đi trước như diễn biến ở lần điều chỉnh này, “đường cong lãi suất” thời gian qua và hiện nay được cho là hợp lý.

Dĩ nhiên nhiều ngân hàng hiện vẫn áp tối đa 6%/năm cho các kỳ hạn chịu trần quy định. Theo vị lãnh đạo trên, đó là yêu cầu của một cuộc chiến thị phần, họ vẫn phải chịu lỗ để giữ “đất” của mình: “Hãy hỏi xem họ đang chấp nhận lỗ với mức lãi suất đó như thế nào khi không cho vay ra được. Chứ còn thực tế trong hoạt động, mức 4%/năm huy động ở các kỳ hạn đó hiện nay cũng còn phải cân nhắc”.

Còn vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa gỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất huy động, khi vẫn giữ cơ chế đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng?

“Mặc dù cơ chế trần lãi suất hiện nay đã từng bước được nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng áp dụng, nhưng trong điều kiện thanh khoản của các tổ chức tín dụng còn chưa đồng đều, một số ngân hàng nhỏ và yếu vẫn có nhu cầu huy động với lãi suất cao thì vẫn cần tiếp tục duy trì cơ chế trần lãi suất này”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng giải thích.

Và người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ dự tính rằng, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện đồng bộ, thị trường tiền tệ ổn định thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ cơ chế trần lãi suất theo lộ trình và vào thời điểm phù hợp.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.