Trong cuộc Hội thảo "Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa" ngày 26-3, ông Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản so sánh: Giá đất khu vực phố cổ Hà Nội là thấp hơn của Ginza, nơi giá đất cao nhất tại Nhật Bản, hay Kabukicho, khu vực giải trí nổi tiếng của Tokyo. Nhưng giá đất phố cổ Hà Nội lại lớn hơn nhiều so với Hongo, Shirokanedai hay Idibashi, những nơi được xem là trung tâm Tokyo.
Theo vị chuyên gia người Nhật, nhìn chung, các quận như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ và Cầu Giấy có giá đất tương tự như Koto-ku và Sugynami-ku (mất thời gian là 30 phút đi đến quận kinh doanh trung tâm Tokyo) hay thành phố Tachikawa và thành phố Hino (trong vòng 1 giờ đi đến quận kinh doanh trung tâm).
"Kết quả này thật đáng ngạc nhiên khi khoảng cách thu nhập giữa hai nước là rất lớn. Sử dụng tỉ giá danh nghĩa chuyển đổi, trong năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản là cao hơn của Việt Nam 31 lần" - ông Kenichi Ohno nói.
Điều đó có nghĩa là, so với thu nhập, số tiền cần có để thực hiện giao dịch và lợi nhuận (hoặc thua lỗ) từ các giao dịch đất đai đối với người dân Hà Nội lớn hơn so với người dân Tokyo 31 lần.
Ông Kenichi Ohno cũng bày tỏ: Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người Việt Nam quan tâm nhiều tới việc mua bán bất động sản ngay lập tức hơn là việc phải đầu tư dài hạn để có được kỹ năng, công nghệ và quản trị kinh doanh. Thật khó để có thể thúc đẩy công nghiệp hóa hoặc nâng cao giá trị sáng tạo trong nước trong điều kiện như thế.
Khi trả lời báo giới về tình trạng "đóng băng" của bất động sản, chuyên gia kinh tế TS Alan Phan cho rằng: Nếu nhìn thuần túy theo góc độ thị trường, lý do duy nhất khiến bất động sản trì trệ là vì giá bán không phù hợp túi tiền người mua. Giá nhà đất hiện quá cao. So với thu nhập trung bình của người dân, hiện giá nhà đất đang cao gấp 25 lần. Trong khi đó, ở các nước khác, mức tối đa về giá chỉ cao gấp khoảng 7-8 lần thu nhập trung bình. Vì giá bất động sản ở Việt Nam không phù hợp nên người dân không thể mua được chứ không phải dân thiếu tiền hay không có nhu cầu.
Giá nhà đất cũng là một trong sáu nghịch lí của thị trường bất động sản Việt Nam mà GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng "điểm mặt". Theo GS Đặng Hùng Võ, giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động (trong khi ở các nước khác tỷ lệ này là 2 - 4 lần), nếu người lao động tiết kiệm được 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm sau mới mua được nhà. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm ở mức 10 lần trong khu vực nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.