Các nhà phân tích của Sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) cho rằng cổ phiếu VFS của VinFast vẫn còn tiềm năng tăng giá dù vừa chạm mức đáy mới vào phiên 12/4 vừa qua.

Thực tế là ngành công nghiệp xe điện (EV) đang trải qua thời kỳ khó khăn. Và không chỉ những doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp khó mà ngay cả hang xe Tesla (TSLA) đáng gờm cũng báo cáo lượng giao hàng trong quý 1 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu ô tô điện đang chậm lại.

Tình hình thậm chí còn ảm đạm hơn đối với các công ty khởi nghiệp xe điện, nhiều công ty trong số đó đã phá sản hoặc đang đối mặt với nguy cơ phá sản sắp xảy ra.

Năm ngoái, hang xe điện VinFast (VFS) của Việt Nam đã IPO tại Mỹ thông qua việc sáp nhập công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Cổ phiếu VFS đã tăng vọt sau khi niêm yết và đạt mức cao tới 93 USD - mang lại VinFast mức vốn hóa thị trường vượt 200 tỷ USD, gần gấp đôi tổng vốn hóa thị trường của Ford (F) và General Motors (GM).

Sang năm 2024, cổ phiếu VFS đã giảm giá và xác lập mức đáy mới. Kết thức phiên 12/4, cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam giao dịch ở mức 3,6 USD/cp, thấp nhất kể từ khi lên sàn. Ở mức giá này, vốn hoá của VFS còn khoảng 8,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, cả 4 nhà phân tích của Nasdaq đều đánh giá VFS đang ở mức “Rất nên mua”. Mức giá mục tiêu trung bình mà họ đưa ra là 10,5 USD/cổ phiếu, cao gần ba lần giá chốt phiên 12/4.

Giá mục tiêu cao nhất mà 1 trong 4 chuyên gia đưa ra là 13 USD/cổ phiếu và người bi quan nhất dự đoán cổ phiếu của công ty xe điện Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi lên 8 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu xe điện trên toàn thế giới đã giảm mạnh và VinFast cũng không ngoại lệ, đã mất hơn 51% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024. Các cổ phiếu cùng ngành như Rivian (RIVN) và Lucid (LCID) đã lần lượt giảm 55% và 36% so với đầu năm. Cổ phiếu xe điện Trung Quốc cũng không khá hơn khi Xpeng (XPEV) giảm gần 45% so với đầu năm trong khi NIO (NIO) mất 48%.

Ngành công nghiệp xe điện đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất lớn do doanh số bán hàng chưa thực sự tăng như mong đợi. Sự mất cân đối cung cầu đã góp phần trực tiếp vào cuộc chiến giá cả, đang gây thiệt hại cho tỷ suất lợi nhuận và làm tăng thêm tình trạng thua lỗ cũng như đốt tiền của các công ty khởi nghiệp.

Đối với VinFast, lượng tiền mặt mà VinFast đã “đốt” trong năm 2023 là 3,3 tỷ USD và 2,2 tỷ USD vào năm 2022. Công ty có tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 168 triệu USD vào cuối năm 2023. VFS dựa vào nguồn tiền mặt thường xuyên từ công ty mẹ, Tập đoàn Vingroup.

VinFast đang nhắm đến thị trường SUV và có nhiều lựa chọn ở nhiều mức giá. Chiếc xe mini tiếp theo của hãng, với phạm vi hoạt động 125 dặm, được đồn đoán sẽ có giá khởi điểm khoảng 20.000 USD. Công ty cũng đang nỗ lực nội địa hóa hoạt động sản xuất và đang thành lập một nhà máy ở Bắc Carolina, nơi có khả năng giúp các mẫu xe của họ đủ điều kiện nhận tín dụng thuế xe điện liên bang.

Ngoài ra, hãng còn có kế hoạch mở các nhà máy ở Ấn Độ và Indonesia. Trong bối cảnh các công ty xe điện Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường ở nhiều quốc gia, VinFast chiếm được lợi thế vì có trụ sở tại Việt Nam.

VinFast giao dịch ở mức bội số giá trị trên doanh thu doanh nghiệp (NTM) trong 12 tháng tới là 6,41 lần. Số liệu này có vẻ cao hơn và ở mức cao hơn đáng kể so với những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện khác. Ví dụ, bội số tương ứng của Rivian là 1,21x, trong khi đó của Xpeng chỉ là 0,59x.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.