Ông Douglas Lippoldt
Theo ông, việc gia nhập TPP sẽ đem lại những lợi thế cạnh tranh nào cho Việt Nam?
Một trong những khía cạnh của nền kinh tế ở các thị trường mới nổi chính là sự gia tăng dân số, tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng đông hơn, chiếm tỷ lệ cao trong dân số quốc gia. Đây là tầng lớp có mức tiêu dùng tăng trưởng lớn.
Chúng tôi dự báo, đến năm 2020 sẽ có sự cải thiện đáng kể trong thu nhập của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện nay vẫn bị cản trở bởi những hàng rào nhất định. Vì vậy, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ có lợi cho sự phát triển.
Với việc tham gia TPP, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ra các thị trường lớn. Chẳng hạn, đối với hàng nông sản sẽ sớm được gỡ bỏ thuế quan. Thương mại, dịch vụ của Việt Nam cũng là những lịch vực được mở cửa sau khi TPP ký kết…
TPP sẽ làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, thưa ông?
Các nước tham gia TPP chiếm đến 40% thương mại toàn cầu, vì thế, các nhà kinh tế cho rằng, TPP sẽ làm gia tăng kinh tế toàn cầu khoảng 10% và gia tăng mạnh về xuất khẩu. Đây là một cú hích đối với kinh tế toàn cầu và sẽ có sự thay đổi hàng năm.
Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 30% nhờ TPP. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là xuất khẩu phát triển.
Bên cạnh lợi thế, thách thức nào mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối phó?
Việt Nam được nhìn nhận là một quốc gia đứng đầu trong các thị trường mới nổi, một quốc gia đang lên. Các ngành hàng của Việt Nam sẽ được thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới nhờ vào TPP.
Nhưng với những quy tắc nghiêm ngặt về xuất xứ trong sản phẩm, chẳng hạn như ngành dệt may là từ sợi trở đi, theo tôi được biết, hiện đa phần doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đáp ứng, do đó, nếu không nỗ lực thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không nhận được nhiều “trái ngọt” từ TPP.
Rất có thể Việt Nam sẽ trở thành nơi “xuất khẩu hộ” cho doanh nghiệp nước ngoài, vì hiện có nhiều tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam để đón lợi thế từ TPP.
Đánh giá của ông về kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới?
Bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay đang suy yếu, nhưng cũng có những nhân tố tích cực. Ngân hàng thế giới đã có sự thay đổi về chính sách, sự thay đổi này sẽ dẫn đến tăng trưởng của các nước.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân một số nước đang tăng lên, chẳng hạn ở Trung Quốc, năm 2015 tiêu dùng của người dân tăng 7%, điều này kích thích cho thương mại và sản xuất phát triển.
Nhiều thị trường mới nổi đang trỗi dậy và tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một quốc gia được kỳ vọng tăng trưởng tốt.