Sự méo mó khiến TTCK không còn là kênh huy động vốn cho nền kinh tế - Ảnh: D.Đ.M
Có thể cơ quan quản lý đang "nhìn" TTCK như một nơi cờ bạc, nên thị trường này trở thành "đứa con ghẻ" trong hầu hết các chính sách liên quan đến thị trường vốn. Nhưng chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn để phát triển nền kinh tế. Vì vậy, không thể gạt nó ra nếu chúng ta thực sự muốn TCT nền kinh tế.
Nhưng "nhìn" như vậy có lẽ cũng không oan, TTCK đã có nhiều thời điểm trở thành nơi "đánh quả" cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp...?
Không thể phủ nhận yếu tố "cờ bạc" của TTCK trong thời gian qua. Thể hiện đầu tiên là giữa những người mua bán - là các nhà đầu tư, mua đẩy giá tăng đem bán, bán quá đâm ra giảm. TTCK liên tục đi từ thái cực này sang thái cực khác không theo một quy luật nào. Thứ 2 là doanh nghiệp trong vai trò người bán. Tình trạng phát hành vô tội vạ nhưng sử dụng không có hiệu quả. Doanh nghiệp niêm yết huy động vốn của cổ đông nhưng thay vì đầu tư, sản xuất thì lại "ném" trở lại chứng khoán... Những điều này đã khiến TTCK của ta đi lệch với định hướng, với bản chất của nó. Tuy nhiên, lỗi này cũng do sự dung túng, sự buông lỏng của cơ quan quản lý. Chính vì thế, TCT TTCK để đưa nó về đúng vai trò, nhiệm vụ... theo tôi, càng trở nên cấp thiết hơn.
Nếu bỏ qua TTCK trong bức tranh TCT hiện nay, điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?
Tôi khẳng định là, muốn TCT kinh tế, không thể bỏ qua TTCK. TCT nền kinh tế trong đó có 3 vấn đề lớn được nghị trường Quốc hội nhắc đến là TCT ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công. Cả 3 vấn đề này đều "cần" đến vai trò của TTCK trong quá trình TCT của mình.
Đầu tiên là ngân hàng. Nền kinh tế của ta lâu nay vẫn dựa chủ yếu vào dòng vốn ngắn hạn từ tín dụng ngân hàng. Nên khi dòng vốn này bị thu hẹp thì tăng trưởng kinh tế cũng giảm. Thậm chí, chỉ cần lãi suất biến động cũng tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Năm 2011 là minh chứng rõ ràng nhất. Khi tín dụng bị "siết" lại, ngay lập tức hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Vì vậy phát triển TTCK sẽ giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng không còn là kênh huy động vốn duy nhất như hiện nay mà sẽ trở về đúng vai trò của mình là cung cấp vốn ngắn hạn. Còn nguồn vốn trung và dài hạn sẽ được huy động qua TTCK.
Thứ 2 là TCT các DNNN. Muốn cổ phần hóa DNNN thì phải có phương tiện, đó chính là TTCK. TTCK không phát triển thì người mua sẽ không thể tham gia mua cổ phiếu được cổ phần hóa. TTCK cũng là nơi giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, các định chế tài chính, giám sát cả nền kinh tế. Chúng ta vẫn thường nghe nói chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, là nơi "đo" sức khỏe của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Nên không thể bỏ qua TTCK nếu muốn TCT các DNNN.
Cuối cùng là TCT đầu tư công. Tôi không đồng tình với việc gọi cắt giảm đầu tư công là tái cấu trúc. Nhưng đây là một câu chuyện dài và đã được nói đến rất nhiều nên tôi không đi sâu vào vấn đề này. Tôi chỉ khẳng định, đầu tư vẫn cần thiết để tăng trưởng kinh tế. Nên cắt giảm đầu tư công thì phải có dòng vốn thay thế để tăng trưởng kinh tế. Theo tôi, dòng vốn này phải huy động trong dân, huy động ở nước ngoài thông qua TTCK.
Nếu chúng ta nhìn TTCK ở góc độ như nói trên thì rõ ràng, không thể gạt chứng khoán ra khỏi câu chuyện TCT kinh tế hiện nay.
Cụ thể, TTCK sẽ TCT như thế nào, theo ông?
Theo tôi, TCT phương thức thanh toán là mấu chốt. Hiện việc thanh toán được thực hiện trên tài khoản tổng của các công ty chứng khoán (CTCK). Nghĩa là người mua và người bán phải thanh toán với nhau qua tài khoản tổng ở CTCK. Lợi dụng điều này, các CTCK lao vào cho nhà đầu tư vay tiền mua chứng khoán; bán khống cổ phiếu... làm cho thị trường bị méo mó, biến dạng. Bỏ tài khoản tổng, người mua và người bán sẽ thanh toán trực tiếp qua tài khoản ở ngân hàng. Khi đó, các CTCK sẽ chỉ thực hiện hình thức môi giới, tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp thuần túy. Họ sẽ phải cạnh tranh với các quỹ đầu tư trong việc quản lý danh mục đầu tư, tư vấn đầu tư cho các tổ chức và các cá nhân. Sự cạnh tranh này sẽ đào thải các CTCK yếu mà không ảnh hưởng đến thị trường và quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng nên nghiên cứu đến việc chuyển hoạt động tự doanh của các CTCK sang quỹ đầu tư để tránh xung đột lợi ích giữa CTCK với nhà đầu tư, giữa CTCK với tổ chức tư vấn và bảo lãnh phát hành... Tách ra còn để tránh việc các CTCK phát triển thành mô hình ngân hàng đầu tư đã bị sụp đổ trên thế giới.
Nếu TCT theo cách này, tính minh bạch và cơ chế giám sát sẽ tăng cao. TTCK sẽ trở về đúng vai trò, vị trí và bản chất của mình là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Giảm 50% Công ty CK hiện tại
Những thời điểm đỉnh điểm, giá trị giao dịch trên TTCK khoảng 5.000 tỉ/phiên, trung bình thì 2.500-3.000 tỉ/phiên, trong khủng hoảng trung bình 1.200 tỉ/phiên. Tính theo phí giao dịch (trung bình 0,3%/giá trị giao dịch) thì cao nhất 30 tỉ/phiên, trung bình 15 tỉ/phiên, trong khủng hoảng thì 9 tỉ/phiên. Như vậy trung bình mỗi tháng phí giao dịch cao nhất là 780 tỉ đồng; trung bình 390 tỉ đồng và trong khủng hoảng lúc này chỉ 230 tỉ/tháng. Nếu chia đều, mỗi công ty CK hiện nay có doanh thu khoảng 2,3 tỉ đồng/tháng. Thu nhập này không thể duy trì bộ máy, khấu hao, tiền thuê mặt bằng... chưa nói đến chi phí vốn đầu tư. Những con số trên cho thấy số lượng CTCK hiện quá nhiều cần phải giảm hơn 1/2. (Tiến sĩ Lê Đạt Chí) |