Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa chỉ thị yêu cầu các ngân hàng phải giảm tỷ lệ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong năm nay, nhiều chuyên gia dự báo rằng cả thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian tới. TBKTSG Online đã trao đổi và ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong các lãnh vực này như sau:

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:

Năm nay là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, thách thức cả về sự phát triển và sự tồn tại. Bởi vì doanh nghiệp sẽ đứng trước một áp lực tất cả các chi phí đầu vào đều tăng, trong đó có lãi suất.

Với chính sách lãi suất này thì không ai có thể đầu tư được. Vấn đề này cũng được các doanh nghiệp, các hiệp hội và các chuyên gia đề nghị phải nới lỏng, phải có lộ trình giảm lãi suất thì doanh nghiệp mới có thể đầu tư kinh doanh được.

Việc siết chặt nguồn vốn, khống chế dư nợ dưới 20%, các doanh nghiệp không thể vay vốn trong hệ thống chính thức sẽ buộc vay qua hệ thống bên ngoài, và dĩ nhiên sẽ chịu lãi suất cao hơn nữa. Doanh nghiệp thiếu vốn để hoàn thiện công trình, để tiếp tục đầu tư cũng như là đầu tư mới. Chẳng hạn nhiều dự án đã xây tới tầng 3 thì không thể dừng lại mà buộc lòng phải xây cho xong; hoặc doanh nghiệp đang bắt đầu làm móng, mới chi phí một phần ban đầu cho việc làm hạ tầng thì cũng phải làm cho xong móng để có thể huy động vốn được.

Bên cạnh đó việc điều chỉnh vĩ mô tới hệ thống giá dẫn đến nguyên nhiên liệu đều tăng giá, và điều đó liên quan đến thị trường bất đông sản. Với chi phí đầu vào tăng dẫn đến giá thành căn hộ cũng sẽ tăng. Điều quan trọng là chi phí tăng, lãi suất tăng doanh nghiệp bất động sản đều có thể vượt qua được với điều kiện tính thanh khoản của đầu ra tốt. Tuy hiên, hiện nay giao dịch ở thị trường khá trầm lắng, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Ngay cả bất động sản văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại dịch dụ cũng đang phải đương đầu với những thách thức rất lớn bởi vì thị trường quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, quyết định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Với tình hình siết chặt tín dụng thêm như hiện nay sẽ khó cho cả người bán là các chủ đầu tư và khó cho cả người mua nhà. Ngoại trừ thị trường căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp nhắm vào đối tượng mua để ở hiện tương đối tốt.

Với tình hình khó khăn trong năm nay, những doanh nghiệp gặp khó khăn phải đấu tranh để tồn tại, và thị trường sẽ có xu hướng các doanh nghiệp phải sát nhập, hợp tác bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và mua lại dự án của nhau trong thời gian tới.

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM:

Yêu cầu siết vốn cho vay đối với chứng khoán và bất động sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả thị trường chứng khoán và bất động sản.

Đối với bất động sản, mức ảnh hưởng như thế nào thì vẫn chưa biết rõ vì con số sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường bất động sản không ai có, nhưng nhìn chung là khá cao. Vì vậy, bất động sản sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi nhà đầu tư dự án chịu cùng một lúc ba áp lực là Nghị định 69, 71, và bây giờ là bị hạn chế khi tiếp cận nguồn vốn. Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đóng băng.

Đối với thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức sẽ bị ảnh hưởng nhiều do thứ nhất là dòng tiền đầu tư cho chứng khoán giảm và thứ hai là yếu tố tâm lý sẽ đè nặng thị trường. Thêm vào đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang phải thoái vốn khỏi các khoản đầu tư, cộng thêm các công ty đang tiếp tục niêm yết, dẫn đến nguồn cung cho thị trường tăng cao, trong khi dòng vốn lại bị giới hạn, vì thế chứng khoán sẽ tiếp tục “lình xình” trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi cả đất nước từ người dân đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì chắc chắn chứng khoán và bất động sản cũng phải chịu khó khăn chung thôi.

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC):

Với chỉ thị mới của NHNN, các công ty chứng khoán và bất động sản trong nửa đầu năm nay sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ giảm nhẹ bớt trong 6 tháng cuối năm khi thị trường ngoại hối ổn định trở lại.

Với tác động của chính sách trên, giá bất động sản sẽ phải giảm từ 10%-15% hoặc nhiều hơn ở một số khu vực. Trong khi đó, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục ảm đạm cho đến khi lạm phát chạm mức đỉnh của nó và thị trường ngoại hối ổn trở lại, có thể là trong tháng 4, và thị trường chứng khoán sau đó sẽ có sự hồi phục nhỏ. Tuy nhiên, nhìn chung năm 2011 sẽ tiếp tục là một năm lình xình của chứng khoán Việt Nam.

Theo thông tin Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời báo chí, hiện dư nợ cho vay phi sản xuất trong đó có chứng khoán và bất động sản của toàn hệ thống ngân hàng là 431.000 tỉ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, và mục tiêu của NHNN là giảm tỷ trọng này xuống còn 16%. Ông Giàu cho biết mặc dù tỷ trọng giảm nhưng con số tuyệt đối vẫn không thay đổi nên sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và bất động sản. Hiện tại có 18 tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay phi sản xuất trên tổng dư nợ từ 25% trở xuống và 24 tổ chức có tỷ trọng trên 25%.

tag: bat dong san, dia oc, mua ban nha dat, can ban nha, can mua nha, can ban biet thu, can mua biet thu,chung khoan, bat dong san

Cafeland..vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland