17/07/2014 8:46 PM
Qua nhiều lần phản ánh về những bức xúc của người dân tại chung cư Vinaconex 21, để xác minh rõ ràng hơn trách nhiệm của chủ đầu tư và quyền lợi của người dân. Ngày 16/7, phóng viên đã có buổi làm việc với Công ty CPXD 21.


Khu nhà thấp tầng tại chung cư Vinaconex 21.

Đại diện Vinaconex 21, ông Thuận – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính đã có buổi tiếp xúc báo giới.

Một lời xin lỗi cũng không

Ông cho biết, hiện nay, nước đã sinh hoạt đã sử dụng bình thường, thang máy vẫn hoạt động ổn định. Đường xá trong chung cư Công ty đang triển khai. Chỉ vì mấy hôm sông Đà bị vỡ ống nước mà ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Ông cũng thừa nhận, việc mất nước cũng một phần do vệ sinh đường ống cũng chưa chuẩn: “Chúng tôi cũng tham khảo một số anh em, thực ra hôm đó là lỗi của đồng chí trực kỹ thuật. Người dân yêu cầu kiểm tra nhưng kỹ thuật không kiểm tra nhưng vẫn khăng khăng là xử lý rồi nên mới xảy ra hiện trạng như vậy”.

Được hỏi về việc người dân tại chung cư phải tự bỏ chi phí để vệ sinh đường ống tại tòa nhà? Ông trả lời: “Điều này! Chúng tôi cũng cho kiểm điểm một số anh em trực kỹ thuật. Để mà nói tiền người dân bỏ ra nghe thật nặng nề nhưng thực chất không đáng gì cả. Sau đó, chúng tôi đã có cuộc họp với Ban quản lý tòa nhà. Nếu thực tế nhân dân mà mua thì phải hoàn trả lại cho nhân dân. Chẳng qua là cái tiếng, còn thực tế cán bộ kỹ thuật phải kiểm tra ngay”.

Như vậy, chỉ với hai câu trả lời ai trong chúng ta cũng hiểu rằng. Thứ nhất là việc lỏng lẻo trong công tác quản lý nhân sự của Vinaconex 21 bởi đây không phải là lần đầu tiên (vụ bà già bị kẹt trong thang máy 30 phút hẳn ai cũng nhớ). Thứ hai là sự vô trách nhiệm của một số bộ phận trong Công ty làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân, cũng như uy tín của Vinaconex 21.

Theo ông Thuận, những vấn đề như mất nước, nước bẩn hay hạ tầng xuống cấp tại các tòa nhà hoặc chung cư cao tầng tại địa bàn Hà Nội đã quá quen thuộc. Cũng giống như một gia đình, không phải lúc nào cũng “trong ấm ngoài êm”.

Vì vậy, có thể thấy những bức xúc trên mà cư dân chung cư Vinaconex 21 phải hứng chịu cũng là chuyện thường tình. Điều đó, nói nên rằng Vinaconex 21 không tôn trọng người dân, họ thừa biết là đã sai mà không sửa. Thậm chí, một lời xin lỗi cũng không có.


Hệ thống máy bơm nước tại tầng hầm chung cư.

Giấy không bọc được lửa

Ông Thuận còn thanh minh: “Bản chất người ngoài không hiểu, họ cứ tưởng nước từ bể dự phòng cứu hỏa là một bể riêng ( nhưng thực tế là chung với bể nước sinh hoạt) và không đảm bảo vệ sinh (nước cứu hỏa chính là nước sinh hoạt). Nhưng hiểu một cách đơn giản khi mất nước, củ bơm của nước sinh hoạt nằm ở trên còn củ bơm của nước cứu hỏa ở bên dưới. Mục đích khi xảy ra hỏa hoạn củ bơm phía dưới có nhiệm vụ bơm nước lên dập đám cháy”.


Hiện trạng bể nước sinh hoạt trên nóc chung cư.

Ông khẳng định: “Bể nước dự phòng cứu hỏa và sinh hoạt là một bể không tách riêng biệt, người dân sử dụng nước phía trên còn phía dưới là những cặn bẩn lắng đọng lâu ngày thì dùng làm nước cứu hỏa. Vì vậy, mới xảy ra hiện trạng nước bẩn trong quá trình sinh hoạt. Và chỉ bị ảnh hưởng trong vòng mấy tiếng sau đó lại sử dụng bình thường”.

Qua đó, chúng ta có thể đồng tình với việc hai nguồn nước lấy chung một bể. Nhưng lắng cặn bẩn trong bể tại sao không được vệ sinh thường xuyên. Tại sao những vấn đề nhỏ như vậy mà không xử lý được.

Nhắc đến phí bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà ông Thuận đổ bay đổ biến cho Ban quản lý tòa nhà: “Điều này Vinaconex không nắm bắt được, phí bảo trì của tòa nhà được thu đúng theo quy định Nhà nước ban hành”.

Theo Điều 54, nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ, kinh phí đóng góp để phần sở hữu chung của tòa nhà là 2%. Như vậy, nếu một căn hộ trung bình 75m2, giá 8.400.000đ/m2 (theo Vinaconex 21) người mua nhà sẽ phải đóng 12.600.000đ phí bảo trì. Tương đương với 126 hộ tại chung cư, con số khổng lồ lên hơn 1 tỷ đồng. Một lần nữa, câu hỏi được đặt ra phí bảo trì tòa nhà đang ở đâu? Nó đã được sử dụng với mục đích gì?

Trên thực tế, ông Thuận cũng xoa dịu: “Vừa qua đã cho Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông lấy mẫu nước về xét nghiệm nhưng chưa có kết quả”.

Kiểm tra thực tế nhận thấy, nước trong bể rất nhiều váng dầu. Ai dám đảm bảo đây là nước sẽ sử dụng được dù được biết đó là nước sạch sông Đà.

Còn vấn đề trong quá trình bơm nước từ bể cứu hỏa lên để sử dụng, trong máy bơm không có dầu. Giả sử trường hợp xấu nhất chung cư xảy ra hỏa hoạn, liệu có tránh khỏi những tổn thất về của cải cũng như tính mạng cư dân sống tại nơi đây?

Ông xua tay: “Đấy là các đồng chí nâng cao quan điểm, việc đó hết sức đơn giản, máy đã có sẵn, thiếu dầu thì chỉ cần đi mua. Cũng như máy nổ cung cấp cho tòa nhà khi mất điện chỉ trong vòng tích tắc đã có điện phục vụ nhân dân”.

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, vấn đề PCCC đã trở thành vấn nạn của các chung cư hay tòa nhà cao tầng. Hiện đại và an toàn như Keangnam cũng đã từng bốc cháy. Vì vậy, biện pháp phòng tránh hỏa hoạn là không thừa đối với Vinaconex 21.

Tại mục 3/ điều 16/chương II của Luật PCCC số 27/2001/QH10 đã quy định rõ ràng rằng: “Trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy”. Vấn đề này, Vinaconex cần xem xét lại.


Đã trôi qua một tuần, khi phóng viên quay lại làm việc, con đường tại chung cư vẫn vậy (không có gì thay đổi).

Được biết, dự án chung cư cao tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng tới nay đường xá đi lại trong chung cư hiện trạng vẫn rập rịch san lấp chưa đâu vào đâu. Điều nay, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Thuận trả lời: “Thực chất, đường xá chưa xây dựng xong bởi dự án vẫn dở dang, khu thấp tầng của dự án vẫn chưa hoàn thành”.


Lối vào khu chung cư vẫn còn dở dang.

Tiếp đó vấn đề thang máy ì ạch, mất an toàn ông trả lời: “Trong quá trình sử dụng có thể có lúc trục trặc, hỏng hóc nhưng tinh thần là khắc phục hay không, nhanh hay chậm. Nói là không đảm bảo thì không đúng”.

Ông vẫn khẳng định: “Công ty vẫn bảo trì, bảo dưỡng thang máy theo đúng quy định của nhà sản xuất”.

Tóm lại, cần phải xây dựng Ban quản trị tòa nhà do chính hội nghị của chung cư bầu ra. Chức năng và nhiệm vụ của ban này là quản lý và giữ 2% phí bảo trì chung cư.

Ban này sẽ được sự công nhận hợp pháp của chính quyền địa phương, việc sử dụng kinh phí cho bảo trì, bảo dưỡng tại chung cư sẽ được sự thống nhất của cư dân. Phục vụ đúng mục đích và nhu cầu của người dân, tránh thất thoát ảnh hưởng tới lợi ích của cư dân trong tòa nhà.

Việt Khoa (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.