Bước vào những ngày hè nắng gắt, hơn 300 hộ dân, tương đương khoảng trên 1.000 cư dân sinh sống tại chung cư CT3A-CT3B Văn Quán (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) đảo lộn cuộc sống khi mất nước đột ngột, kéo dài vài ngày.

Điều đáng nói, Công ty cấp nước Hà Đông không hề có thông báo mất nước, do đó đã đẩy cư dân rơi vào hoàn cảnh vô cùng khốn đốn, khiến người dân rất bức xúc.

Không ít gia đình có người già, con nhỏ lâm vào cảnh xáo trộn và bất tiện vô cùng. Nhiều gia đình phải “sơ tán” sang nhà người thân lánh tạm. Không ít gia đình phải “di cư” hoặc xin từng xô nước ở khu dân cư liền kề về sử dụng tằn tiện. Sau vài ngày mất nước, khi có nước trở lại thì nước đầy vẩn đục. Thế nhưng, nhiều gia đình đến nước có cặn vẫn không có để sử dụng. Sống giữa Thủ đô văn minh, hiện đại mà mất nước thì quả cơ cực.

Chung cư mất nước, người dân xách từng xô nước về dùng.

Không ít khu chung cư ở Linh Đàm cũng phải chịu cảnh mất nước, thiếu nước đã diễn ra mấy năm nay mà vẫn chưa được khắc phục. Vì vậy, nhà nào cũng phải mua mấy cái xô to về để chứa nước dự trữ. Khổ nhất là những nhà có trẻ nhỏ, việc sinh hoạt, tắm rửa diễn ra thường xuyên. Người dân sống ở đây đang nơm nớp lo lắng về một mùa hè thiếu nước, mất nước nữa lại sắp diễn ra.

Cùng chung cảnh ngộ mất nước trong những ngày hè nóng bỏng, đó là khoảng hơn 1.000 căn hộ sinh sống tại chung cư Mulberry Lane (phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ bị cắt nước sinh hoạt. Ban quản lý chung cư không thông báo trước khiến các gia đình không kịp trở tay. Sau nhiều ngày mất nước, xe téc nước được mua về và người dân tự xách nước lên nhà. “Ban quản lý cung cấp lượng nước nhỏ giọt, luân phiên với thời gian hạn hẹp nên phần đông các gia đình đi làm đã mất cơ hội hứng nước, dù may ra thì được vài xô”, chị Thu nói. Công ty nước sạch Hà Đông và Ban quản lý chưa thông báo bao giờ có nước trở lại như trước. Không ít cư dân bức xúc: “Chúng tôi phải sống trong cảnh thế này nhiều ngày là không thể chấp nhận được”. Đa phần cư dân đều sống trên tầng cao, việc thiếu nước sinh hoạt là vô cùng bất tiện.

Lý giải cho tình trạng này, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho biết, công ty mua nước sông Đà, dẫn theo đường Lê Trọng Tấn, đường 70 về đường Tố Hữu để cấp cho các khu đô thị. Do nguồn nước sông Đà bị giảm áp nên nguồn nước cấp đến trạm bơm Đại Mỗ bị thiếu, nước đến khu Mulberry Lane không nhiều như mọi ngày. Trái với ý kiến của ông Dũng, đại diện đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà cho biết, khu Mulberry Lane không phải do nước sông Đà cung cấp mà là nguồn nước ngầm do Công ty nước sạch Hà Đông khai thác. Do nguồn nước ngầm thiếu nên nước đến khu dân cư bị ảnh hưởng.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, số lượng khách hàng đấu nối với hệ thống cấp nước đô thị năm nay tăng khoảng 6% so với năm 2017. Vào cao điểm mùa hè 2018, nhu cầu dùng nước dự báo tăng 5 - 10% so với bình thường nên một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ gặp khó khăn về nước. Thêm nữa, đường ống nước sông Đà truyền tải gần 220.000m3/ngày đêm, chiếm 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội, vẫn đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra sự cố, 100% khách hàng của Viwaco, 25 - 30% khách hàng thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và một số khách hàng khu vực các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo nguồn cung nước sạch cho người dân hè 2018 cũng như lâu dài, thành phố đã yêu cầu những đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước. Nhiều dự án sẽ nâng công suất trong thời gian gần nhất (các tháng 6-7/2018). Hi vọng rằng với những cố gắng để cung cấp nước sạch đến với người dân của các cấp, ban, ngành liên quan, người dân sống tại các chung cư cao tầng không còn phải gánh một nỗi lo thiếu nước, mất nước trong mùa hè.

Nguyễn Thúy Nga (Sức khỏe & Đời sống)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.