Theo quy định của Bộ Xây dựng, đối với dự án có quy mô 1.000 dân thì cần phải có 1 trạm y tế 50m2, sân thể thao là 0,5m2/người, cây xanh 1m2/người, công trình giáo dục 0,945m2/người... Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều dự án nhà ở có quy mô nhỏ từ 1 - 2 ha, không có khả năng bố trí các công trình hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, công viên cây xanh, công trình thể dục thể thao... và không đáp ứng yêu cầu về kết nối giao thông, cấp thoát nước, cấp điện... Đây là những dự án “khoét lõm” mà Thanh Niên đã phản ánh trong số ra ngày 26.3, khi chủ đầu tư chỉ “ké” theo hạ tầng sẵn có. Hay nhiều dự án đã được phê duyệt trước đây, nay do nhu cầu phát triển điều chỉnh tăng quy mô dân số, hệ số sử dụng đất... nhưng không thể điều chỉnh tăng các chỉ tiêu giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
|
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch UBND Q.2 (TP.HCM), cho biết hiện
quận có khoảng 260 dự án bất động sản, trong đó hơn 100 dự án xin thay
đổi quy hoạch, thay đổi thiết kế theo hướng tăng lên so với ban đầu. Đối
với những dự án này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo quận chủ động lên phương án
tính toán để huy động DN đóng góp kinh phí nhằm đầu tư trở lại hạ tầng
kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ lại chính cư dân và dự án đó. Từ quy
mô dân số tính ra yêu cầu về trường học, công viên, đường... Nếu chủ dự
án không có hạ tầng theo yêu cầu thì phải nộp tiền để quận mua đất xây
dựng.
Điển hình như dự án của Công ty Detesco trên đường Lương Định Của rộng hơn 13.000m2, có quy mô dân số hơn 1.200 người, dự kiến quận 2 sẽ thu hơn 5,2 tỉ đồng, dự án khu nhà ở P.Bình Trưng Đông rộng gần 3 ha do Công ty CP địa ốc golf Khang Điền làm chủ đầu tư, Q.2 sẽ thu hơn 10 tỉ đồng. Hay đối với dự án The Vistar, dân số lên đến hơn 3.400 người nhưng chỉ có 1 trường mầm non, không hề đầu tư hạ tầng, mà ăn sẵn hạ tầng của nhà nước, Q.2 dự kiến sẽ thu 23 tỉ đồng.
Tại dự án khu đô thị 87 ha đối diện UBND Q.2, đầu tiên chỉ được duyệt là 16.000 dân nên hạ tầng cũng chỉ được chủ đầu tư tương ứng. Nay thì quy mô dân số tại dự án đã được điều chỉnh lên 30.000 dân, trong khi hạ tầng vẫn như cũ. Chính vì vậy, nhà nước phải đầu tư trường học, bệnh viện, công viên để phục vụ cho số dân tăng thêm này. “Số tiền đầu tư hạ tầng này lấy tiền thuế từ dân, trong khi đó chủ đầu tư dự án lại được hưởng. Để công bằng, Q.2 sẽ tính toán để thu lại tiền từ chủ đầu tư. Như vậy có thể thấy, Q.2 chỉ làm thay công việc của DN, chứ không phải để lấy nguồn thu cho quận”, một lãnh đạo Q.2 chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng đóng khoản
phí trên, DN sẽ được nhiều hơn mất, bởi họ có thể lấy đất trong dự án để
bán với giá cao (giá đã bao gồm phần hạ tầng), trong khi chi phí xây
dựng hạ tầng được tính như hiện nay là quá “mềm”.
TS Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định chủ trương này sẽ giúp giá trị của dự án tăng thêm. Thực tế có rất nhiều dự án đã triển khai hàng chục năm, chẳng hạn khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi, Huy Hoàng, Bình Trưng Đông..., nhưng vẫn không có ai vào ở do hạ tầng không được đầu tư, nếu có thì đến nay cũng đã bị hư hại rất nhiều.
Chủ trương thu phí hạ tầng rõ ràng là rất cần thiết, có lợi cho chủ đầu tư những dự án “khoét lõm”, nhưng trên thực tế, các quận, huyện đang rất khó thu do nhiều chủ đầu tư không chịu nộp. Có thể thấy nhiều chủ đầu tư dự án chỉ chăm chăm thu lợi mà làm lơ nghĩa vụ. UBND Q.Bình Tân cũng đã tiến hành thu khoản phí này theo hình thức “tự nguyện đóng góp của DN”. Theo thông tin từ UBND Q.Bình Tân, đã có chủ 15 DN đầu tư vào 17 dự án khu nhà ở, khu chung cư, cao ốc phức hợp… cam kết đóng góp hơn 52 tỉ đồng nhưng hiện nay chỉ mới nộp hơn 10 tỉ đồng.
Lãnh đạo các quận huyện lo ngại rằng pháp lý còn yếu, không có quy định nào bắt buộc DN phải đóng mà chỉ trên cơ sở thỏa thuận. Liệu chính quyền có thể làm gì khi các chủ đầu tư dự án chỉ muốn thu lợi nhờ bán giá cao mà không chịu tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình? Câu trả lời là cần có quy định chế tài mạnh để chính quyền có thể xử lý các trường hợp này.