01/12/2015 10:17 PM
Việc thi công Dự án chung cư F. home (số 16, Lý Thường Kiệt, TP. Đà Nẵng) đã khiến một số căn nhà xung quanh bị hư hại. Nhưng đã gần 1 năm trôi qua, các hộ dân và chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất được phương án bồi thường thiệt hại.
Đời sống người dân bị xáo trộn

Được khởi công xây dựng vào tháng 5/2014 trên diện tích 4.105,2 m2, Dự án F. home được thiết kế 2 block cao 27 tầng với 680 căn hộ chất lượng cao, quy mô xây hiện đại áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến của Nhật Bản. Dự án do Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng làm chủ đầu tư và phần thi công được thực hiện bởi Liên danh Công ty cổ phần Hải Vân Long và Công ty cổ phần Xây dựng Hồng Trí Việt.

Sau thời gian thi công dự án này, nhiều hộ dân sinh sống sát hai bên đã liên tục có đơn phản ánh lên các cấp chính quyền và chủ đầu tư về việc thi công dự án khiến nhà cửa bị rạn nứt, hư hỏng. Sau đó, chủ đầu tư đã thuê đơn vị kiểm định hư hại của người dân, nhưng không thỏa thuận được mức đền bù, khiến cho các hộ dân tiếp tục làm đơn gửi Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Chị Đỗ Thị Thu Hà (tổ 8, phường Thạch Thang) cho biết, ngôi nhà của chị được xây dựng và đưa sử dụng vào năm 2012 với tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Dù mới khánh thành được 2 năm, nhưng khi Dự án F. home thi công, thì các bức tường đồng loạt xuất hiện các vết nứt sâu.

"Theo ý kiến của Chánh thanh tra Sở Xây dựng, nếu người dân không chấp thuận phương án, cũng như mức bồi thường của chủ đầu tư, họ có thể khởi kiện ra Toà án. Khi đó, các bên có nghĩa vụ thực hiện phán quyết của tòa án".

“Khi Dự án F. home bắt đầu đào móng thì ngôi nhà tôi bắt đầu bị nứt. Tuy nhiên, khi tiến hành định giá, bồi thường thiệt hại thì phía bên chủ đầu tư nói chỉ bồi thường 78 triệu đồng. Các vết nứt thì họ nói là trét xi măng vô để sửa lại, trần bị thấm nước thì họ nói đào rãnh thoát nước, còn ngôi nhà bị nghiêng, bị lún nền thì không nói đến”, chị Hà cho biết.

Theo chị Hà, những vết nứt, nghiêng, lún nền móng do việc thi công chung cư F. home đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu ngôi nhà nên việc chỉ dùng xi măng để trét lại các vết nứt là không thể an toàn. Và với số tiền bồi thường 78 triệu đồng mà phía chủ đầu tư, nhà thầu thi công định giá đền bù thiệt hại thì gia đình chị không thể khắc phục lại toàn bộ hư hại nói trên để tiếp tục sử dụng ngôi nhà lâu dài được. “Công trình xây dựng nhà chung cư đã biến cơ ngơi khang trang và gia sản của gia đình tôi trị giá hơn 1 tỷ đồng, thành một ngôi nhà rách nát với hơn 700 điểm hư hỏng, vậy mà cơ quan xâm hại đền bù cho tôi 78 triệu đồng để khắc phục hư hại. Tôi không thể chấp nhận được việc này”, gia đình chị Hà đã viết như vậy trong kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng.

Bà Trần Thanh Ngọc (tổ 8, phường Thạch Thang) cho biết, tại thời điểm nhà thầu thi công dự án tiến hành thi công phần móng trụ, thì toàn bộ ngôi nhà của bà cũng bắt đầu bị ảnh hưởng theo. “Khi họ rút cừ lên thì phần tường, phần nền nhà tui bị rạn nứt ra hết. Biên bản thẩm định hư hại giải quyết đền bù thiệt hại thì họ kê chỉ có 27 triệu đồng, ở đây họ kê vô chủ yếu là tiền dành cho hạng mục sơn tường. Còn kết cấu cả ngôi nhà bị hỏng thì họ không nhắc đến. Năm nay không có bão đó, chứ có bão vào chắc là nhà sập hết”, bà Ngọc bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Lan (tổ 8, phường Thạch Thang) nói: “Nhà cửa như vậy mà đền bù thấp quá chừng, cứ trả giá từng đồng như nói thách ngoài chợ vậy. Đang yên ổn, vậy mà khi công trình xuất hiện là bị cuộc sống bỗng trở nên náo loạn. Mất ăn mất ngủ, chưa kể nó đổ bê tông cứ ầm ầm như sập nhà vậy, rồi thì thi công gạch đá sắt thép từ trên cao rơi xuống ngay hiên nhà…”.

Ông Ngô Văn Dũng, Tổ trưởng tổ 8, phường Thạch Thang cho biết, tổ dân phố của ông có 41 hộ, thì có tới 38 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp do việc thi công dự án F. home.

Có thể khởi kiện ra Tòa

Ông Trần Văn Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo của chủ đầu tư ngày 21/9, có 37 hộ dân và 1 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nứt lún. Tất cả trường hợp đã được lập hồ sơ kiểm định giá trị thiệt hại, trong đó có 9 hộ dân và 1 doanh nghiệp đã đồng ý nhận tiền bồi thường.

Đối với các hộ dân không đồng tình với kết quả kiểm định của công ty EIC, chủ đầu tư đã mời Công ty Giám định Thái Dương tiến hành kiểm định lần 2 để có cơ sở tiến hành bồi thường và khi có kết quả kiểm định thiệt hại, chủ đầu tư sẽ tiến hành thực hiện việc thoả thuận bồi thường với người dân.

Mặc dù vậy, các hộ dân vẫn tiếp tục không đồng tình bản kiểm định lần thứ 2 (Công ty CP Giám định Thái Dương thẩm định), với lý do việc áp giá những thiệt hại như vậy là quá thấp, không đủ chi phí để sửa chữa lại hư hỏng.

Ông Trần Kiều Việt Kỳ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân, Công ty đã ngay lập tức báo cáo lên UBND Thành phố Đà Nẵng.

Theo ý kiến của Chánh thanh tra Sở Xây dựng, nếu người dân không chấp thuận phương án, cũng như mức bồi thường của chủ đầu tư, họ có thể khởi kiện ra Toà án. Khi đó, các bên có nghĩa vụ thực hiện phán quyết của tòa án.

Ngọc Tân (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.