Ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm CLB ban quản lý khu công nghiệp, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, để đón được “đại bàng”, phải có quỹ đất lớn và phải chuẩn bị được quỹ đất sạch.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: PV.

Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam lần II-2020 với chủ đề “Thời cơ vàng trong vận hội mới”, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tạp chí Thương Gia phối hợp tổ chức sáng 19/6, ông Phương nhấn mạnh, do tác động của dịch bệnh Covid-19, vốn đầu tư FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong quý 1/2020 sụt giảm mạnh, chỉ đạt 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 4 về thu hút vốn FDI. Trong khi đó, liên tục các năm trước, FDI vào bất động sản luôn duy trì vị trí thứ hai.

Tuy nhiên, theo ông Phương, nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh chỉ là tạm thời, vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ trở thành điểm sáng.

Cũng theo ông Phương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ tạo thêm lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thể chế chính trị ổn định nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại. Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Đặc biệt, việc Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trên thế giới thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng được ghi nhận và các nhà đầu tư đang coi đây là điểm đến lý tưởng để có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất...

Tuy nhiên theo ông Phương, để thu hút được nhà đầu tư lớn, chúng ta cần quan tâm tới chính sách các khu công nghiệp vừa đảm bảo quy mô, nhưng phải chọn được vị trí phù hợp để phát triển. Bên cạnh đó phải lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng có đủ năng lực tài chính, và phải có quỹ đất sạch để đón đại bàng vào Việt Nam thời hậu Covid-19.

Bất động sản công nghiệp nổi lên như một điểm sáng, tạo dựng niềm tin trong thời gian tới. Ảnh: T.L.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết bất động sản công nghiệp nổi lên như một điểm sáng, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ, tạo sự tăng trưởng trong thời gian tới.

“Thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh, phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19; môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới; nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực…”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, những kết quả tích cực của thị trường bất động sản Việt Nam có thể được nhìn thấy rõ từ những kết quả như: lĩnh vực bất động sản đóng góp 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; tổng thu liên quan đến bất động sản khoảng 11% trong tổng thu ngân sách, tương đương gần 3% GDP; thị trường bất động sản phát triển cũng đã kéo theo hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động tăng trưởng...

Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đơn cử, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 - 2019), thị trường bất động sản có xu hướng chững lại ở một số phân khúc; nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng…

Ngoài ra, còn có gần 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác. Nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành bất động sản còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập.

Bên cạnh đó, thị trường này còn thiếu các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh các sản phẩm bất động sản mới xuất hiện trên thị trường như bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố du lịch).

Đặc biệt, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn, đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng.

Theo ông Hà, năm 2019, Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Bằng chứng là trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, bất chấp những khó khăn chung của thị trường và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Từ những phân tích trên, ông Hà cho rằng, có thể hình dung ra những bước khởi đầu và xoay chuyển theo hướng tích cực hơn của thị trường bất động sản công nghiệp.

Các địa phương cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng thông qua thu hút nguồn lực tư nhân và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình trọng điểm; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện…

Theo tôi, để có thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn, cần hướng phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà

Hương Giang (TGTTO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.