28/01/2021 1:47 PM
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 39 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 118.209 tỉ đồng.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Bạc Liêu về việc sớm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cạnh đó là việc đầu tư tuyến đường tránh thị xã Giá Rai…

Giai đoạn 2021-2025 nhiều dự án giao thông sẽ được đầu tư ở khu vực phía Nam. Ảnh: V.LONG

Theo Bộ GTVT, những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng khu vực.

Tuy nhiên, về kết cấu hạ tầng giao thông của vùng thấp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông ngòi, địa chất phức tạp, triều cường ngày càng tăng cao. Trong khi đó, nguồn lực quốc gia còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn hạn chế, một số tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do triều cường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Để từng bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực này, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan trực thuộc rà soát, đánh giá để xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó có lồng ghép các yêu cầu để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng.

Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương, Bộ GTVT đề nghị các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh, thành phố phù hợp và thống nhất với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông do Trung ương đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết hiện đơn vị đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 39 dự án đối với bốn lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không), với tổng mức đầu tư khoảng 118.209 tỉ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 là 98.764 tỉ đồng.

“Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực. Qua đó, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện…”- Bộ GTVT cho hay.

Đối với đề nghị đầu tư nối dài đường tránh Hộ Phòng đến cầu Sư Son và đầu tư tuyến đường tránh thị xã Giá Rai, Bộ GTVT cho biết hiện nay đơn vị đã giao Ban Quản lý dự án 7 nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 63 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.360 tỉ đồng, dự kiến đưa dự án vào danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực. Từ đó trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.

"Trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 7 phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu nghiên cứu đối với kiến nghị nối dài đường tránh Hộ Phòng đến cầu Sư Son và đầu tư tuyến đường tránh thị xã Giá Rai. Với mục đích đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung..."- Bộ GTVT khẳng định.

  • Chục tỷ USD bứt tốc giao thông

    Chục tỷ USD bứt tốc giao thông

    Nhiều dự án trọng điểm đồng loạt khởi công trong năm 2021 được kỳ vọng trở thành bàn đạp cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam và miền Trung bứt phá, sau nhiều năm bị kìm hãm bởi nút thắt hạ tầng.

Viết Long (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.